Doanh nghiệp - doanh nhân

Nghệ An: Khi doanh nghiệp là “đầu tàu” bảo vệ môi trường

Phạm Tuân (lược ghi) 25/04/2023 - 10:05

(TN&MT) - Trong quá trình triển khai và đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống, cùng với các cấp chính quyền cơ sở và người dân, doanh nghiệp góp vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của Luật khi đi vào thực tiễn, đó là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi lại một số ý kiến tâm huyết của đại diện một số doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

ong-ho-uyen-vu.jpg
Ông Hồ Uyên Vũ - Phó trưởng phòng TN&MT - Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An)

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với 138 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Các KCN đang hoạt động được đầu tư hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đều đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ, thủ tục môi trường.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn Khu kinh tế Đông Nam và các KCN Nghệ An, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã chủ động triển khai các giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm BVMT.

Thứ hai, nâng cao năng lực tiền kiểm, tăng cường công tác hậu kiểm, huy động và phát huy mọi nguồn lực, chung tay bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Tăng cường đôn đốc, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung giấy phép môi trường.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT và áp dụng các biện pháp kinh tế trong BVMT; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp BVMT. Bổ sung cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác BVMT; Mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam.

Cuối cùng là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ BVMT.

Với sự chủ động áp dụng các giải pháp nêu trên nhìn chung công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế và KCN đã từng bước đi vào nền nếp; Ý thức bảo vệ môi trường của đa số nhà đầu tư, doanh nghiệp đã từng bước được nâng lên.

anh-3-ong-phu-van-phuong-copy.jpg
Ông Phú Văn Phượng - Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An

Chuẩn bị hạ tầng đồng bộ để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, hộ gia đình và các cá nhân, tổ chức sẽ phải phân loại rác tại nguồn trước khi đơn vị dịch vụ đến thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tại TP. Vinh, UBND TP. Vinh đã ban hành Kế hoạch 224/KH-UBND ngày 28/9/2021 kế hoạch triển khai thực hiện đề án “phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố Vinh” giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Công ty đã chủ động xây dựng phương án, thành lập Ban thực hiện đề án để triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Hiện, Công ty đã và đang chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ để áp dụng trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sau khi đã được phân loại tại nguồn trên địa bàn thành phố, trong đó, đã trình phương án dành quỹ đất tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên để làm nhà xưởng tập kết rác thải tái chế sau khi thu gom từ rác thải đã phân loại tại nguồn. Nguồn kinh phí để thực hiện, bên cạnh nguồn kinh phí tự có, Công ty cũng đã làm tờ trình, trình Thường trực Thành ủy Vinh, HĐND, UBND xem xét cấp kinh phí và đưa vào phần vốn trung hạn từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2023 - 2025.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nêu rõ, bất cứ hành vi đổ rác thải nào mà không phân loại từ nguồn sẽ bị xử phạt với mức tiền ít nhất là 500 ngàn đến cao nhất là 2 tỷ đồng/hành vi.

Trên thực tế, tại tỉnh Nghệ An nói chung và trên địa bàn TP. Vinh nói riêng, hạ tầng cơ sở vật chất thu gom rác thải còn nhiều bất cập. Để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, cần lộ trình đầu tư hạ tầng đồng bộ, tương xứng, kèm theo đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp hiểu, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

anh-2-ong-vo-tuan-anh.jpg
Ông Võ Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh

Xử lý nước thải, nền tảng để phát triển đô thị “xanh”

Trước thực trạng đô thị Vinh có mưa xuống là ngập, nắng gió thì có mùi hôi nước thải từ cống rãnh bốc lên, với sự vào cuộc của chính quyền TP. Vinh những năm gần đây, nhiều hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng mới, đặc biệt, hệ thống thoát nước được giao cho đơn vị chuyên ngành thực hiện nạo vét thu gom và xử lý.

Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh là đơn vị quản lý đã có các giải pháp thoát nước mưa, nước thải và xử lý nước thải, phù hợp với tình hình hiện nay của thành phố như quản lý, vận hành, bảo dưỡng các trạm bơm, Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh với công suất cho phép tiếp nhận và xử lý 25.100m3/ngày đêm, nạo vét mương cống và có giải pháp hữu ích được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích” số: 3043 theo Quyết định số: 21664W/QĐ-SHTT ngày, 16/12/2022. đây là đáp số ưu việt nhất để giải quyết bài nhức nhối hiện nay đó là thoát nước nhanh khi có mưa lớn, lưu giữ được bùn rác ở đầu nguồn để thu gom xử lý và ngăn mùi hôi từ mương, cống ra đường phố.

Để bền vững trong công tác bảo vệ môi trường, đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, đáp ứng được sự đô thị hóa nhanh như hiện nay, ngoài việc Công ty có đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân viên được đào tạo bài bản, dày dạn kinh nghiệm, quy trình làm việc chuyên nghiệp thì cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, cả xã hội phải có trách nhiệm hơn, cái nhìn quan tâm hơn để tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi về thói quen sinh hoạt, bảo vệ môi trường, không vứt rác, xả rác, bùn cát xuống kênh mương và ra môi trường.

anh-4-ong-tran-tien-manh.jpg
Ông Trần Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Hưng

Tập trung sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Công ty CP Tập đoàn An Hưng - tọa lạc tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đi vào hoạt động từ tháng 2/2021 với công suất 60 triệu sản phẩm mỗi năm. Công ty có số lượng lao động thời điểm cao nhất lên tới gần 2000 công nhân viên, mức thu nhập dao động từ 6 - 11 triệu đồng mỗi tháng.

Bằng việc đầu tư xây dựng bài bản, chuyên nghiệp, hệ thống máy móc dây chuyền hiện đại, An Hưng được đánh giá là Nhà máy may có cơ sở hạ tầng tốt nhất miền Trung Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường luôn được Công ty chú trọng và thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn của khách hàng.

Hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt theo chuẩn quốc tế, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn đầu ra được sử dụng tuần hoàn trở lại theo đường dẫn qua hồ điều hòa. Bên cạnh đó, An Hưng còn ký kết hợp đồng với những đơn vị nhà thầu có đủ năng lực và chức năng trong vấn đề phân loại, thu gom, xử lý và giảm thiểu rác thải, cũng như phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Tại An Hưng, rác thải được thu gom và chuyển tới các Nhà máy xử lý rác, đảm bảo không tồn rác thải trong nhà máy cũng như không để bị thoát ra ngoài môi trường dân sinh.

Với phương châm “Vì quê hương tươi đẹp hơn” của Ban Lãnh đạo, An Hưng không những quyết tâm xây dựng một nhà máy bền vững, phát triển, để người lao động có nguồn thu nhập cao, ổn định, mà còn quyết tâm xây dựng một nhà máy xanh - sạch - đẹp, đảm bảo tuân thủ nghiêm mọi quy định của pháp luật về việc bảo vệ và gìn giữ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Khi doanh nghiệp là “đầu tàu” bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO