Xã hội

Nghệ An: Để cây lùng giúp người dân Quế Phong thoát nghèo bền vững

Đình Tiệp - Thành Vinh 27/06/2024 18:53

Được ví như “vương quốc lùng” tại Nghệ An với diện tích hơn 17.000ha rừng có lùng phát triển và sinh trưởng, từ lâu lùng là loại cây quen thuộc với người dân miền núi huyện Quế Phong. Từ vài năm nay, việc khai thác cây lùng đã đem lại thu nhập khá ổn định cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở để làm sao cây lùng thực sự trở thành cây giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Cây lùng tạo “đột phá” về sinh kế cho người dân

Trước đây, do nhu cầu sản xuất chưa nhiều nên hiệu quả kinh tế của cây lùng không cao; nhiều diện tích rừng trồng lùng được gìn giữ, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu sản xuất mây tre đan tăng cao và lùng được đưa vào sản xuất nhiều mặt hàng, như tăm tre, đũa, nhang hương… nên diện tích rừng được nhiều đối tượng tham gia khai thác. Việc khai thác không theo quy trình, chưa đúng tuổi khai thác, thậm chí khai thác tràn lan đã xảy ra. Nguy cơ về một vùng nguyên liệu bị cạn kiệt không những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Quế Phong mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái địa phương.

4.jpg
Quế Phong là địa phương có diện tích cây lùng rất lớn.

Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre và Nghêu ở Việt Nam” do Liên minh Châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và các đối tác đồng tài trợ vào năm 2018. Từ đó, người dân tập hợp thành nhóm hộ khai thác và sản xuất lùng bền vững để tiến tới đạt chứng chỉ FSC (Chứng chỉ rừng bền vững do Hội đồng quản lý rừng thế giới - Forest Stewardship Council cấp).

Gia đình anh Lang Văn Mão, ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, cho biết: “Gia đình được giao bảo vệ và chăm sóc 10ha lùng. Giống cây này có thể khai thác liên tục trong nhiều năm, không tốn chi phí và rất ít công chăm sóc. Tùy vào thời điểm, thân cây lùng có giá từ 110.000-140.000 đồng/tạ; còn phần ngọn, mắt, lá có giá 50.000-80.000 đồng/tạ. Với 10ha lùng, mỗi năm gia đình có thêm thu nhập từ 30-40 triệu đồng, có tiền trang trải cuộc sống và cho các con đi học”.

1.jpg
Đoàn kiểm tra mô hình rừng lùng theo chứng chỉ FSC.

Còn chị Lương Thị Tiến, một thành viên của nhóm 40 hộ dân ở bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, cho hay: “Thay đổi tập quán không phải điều dễ dàng gì. Người Quế Phong trước kia vốn chỉ quen “gặp đâu chặt đó”, nay phải chọn lọc, khai thác theo tháng, đúng tuổi cây; chặt xong phải dọn rác ngay để tạo không gian cho lùng phát triển, khiến thời gian đi rừng lâu hơn trước kia”.

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre và Nghêu ở Việt Nam” cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh và khai thác, phục tráng rừng lùng thoái hóa, sơ chế và bảo quản nguyên liệu lùng có hiệu quả kinh tế. Không chỉ có riêng nhóm hộ tại bản Mường Hinh của chị Tiến, mà hàng chục nhóm hộ khai thác và sản xuất lùng bền vững lùng cũng đã hình thành trên địa bàn huyện Quế Phong.

5.jpg
Doanh nghiệp thu mua cây lùng tại bến thuyền ở lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Từ sự nỗ lực thay đổi của các nhóm hộ, đến ngày 25/2/2021, đã có 830 ha rừng lùng tại huyện Quế Phong được cấp chứng chỉ FSC. Chứng chỉ nảy đã mở ra nhiều cơ hội cho nhóm nông hộ, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh Nghệ An đặt vấn đề thu mua lùng nguyên liệu lâu dài và hỗ trợ toàn bộ quá trình vận chuyển giúp bà con, với giá bán cao hơn 15-20% so với giá bán cho thương lái.

“Hầu hết bà con giờ đây hiểu được rừng Lùng có chứng chỉ không chỉ mang lại thu nhập tốt hơn và sinh kế lâu dài, mà còn mang lại các giá trị bền vững khác về môi trường và xã hội”, chị Lương Thị Tiến khẳng định.

Đôi điều trăn trở

Niềm vui đối với người dân Quế Phong là tháng năm 2021 được tổ chức phi Chính phủ cấp Chứng chỉ FSC, với diện tích gần 830ha lùng. Trong đó, xã Đồng Văn 500ha, xã Thông Thụ gần 330ha. Theo quy định, sau khi được cấp Chứng chỉ FSC, sản phẩm lùng FSC của Quế Phong đủ điều kiện được xuất khẩu sang các nước châu Âu, giá thu mua lùng cho các chủ rừng được nâng lên đáng kể.

2.jpg
Cán bộ Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt kiểm tra rừng lùng.

Tuy nhiên, theo ông Lương Thái Quý, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn thì địa phương vẫn còn băn khoăn, lùng là sản phẩm có thế mạnh đối với địa phương, hàng năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Khi được tổ chức phi Chính phủ cấp chứng chỉ FSC địa phương hy vọng đây là một kênh thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. "Mong muốn của địa phương là có doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, cùng với địa phương và người dân để duy trì được chứng chỉ FSC. Xã cũng đã tuyên truyền đến các chủ rừng về công tác đánh giá lại hiện trạng rừng lùng để duy trì chứng chỉ FSC và được các chủ rừng rất quan tâm", ông Lương Thái Quý cho hay.

6.jpg
Người dân thu hoạch cây lùng về bán tại bến thuyền lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong, cho biết thêm: Mục tiêu của Chứng chỉ FSC là sản xuất rừng lùng theo quy trình từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch, không bị huỷ diệt. Theo đó, sản phẩm lùng được xuất khẩu sang các nước châu Âu với giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, do phía doanh nghiệp gặp khó khăn về xuất khẩu, nên sản phẩm lùng được cấp Chứng chỉ FSC giá thu mua từ người dân chưa thực sự cao như kỳ vọng. "Diện tích rừng lùng được cấp Chứng chỉ FSC được Tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ 2 năm đầu về đánh giá duy trì chứng chỉ. Theo đó, đến cuối năm 2023 là hết thời gian gia hạn Chứng chỉ FSC đối với rừng lùng của quế Phong. Hiện nay, huyện đang phối hợp với doanh nghiệp và chủ rừng đưa ra giải pháp duy trì chứng chỉ để tạo cơ hội tăng giá trị đối với sản phẩm lùng và chủ rừng có thêm thu nhập", ông Phan Trọng Dũng cho hay.

3.jpg
Để cây lùng thực sự giúp những chủ rừng lùng có sinh kế bền vững để thoát nghèo cũng đang có những trở ngại cần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì cho đến thời điểm hiện tại đã đến giữa năm 2024 nhưng các biện pháp kêu gọi hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác thiết kế, đo đạc…để được cấp mới và duy trì chứng chỉ FSC vẫn chưa có kết quả. Mặt khác, có một số diện tích lùng tại huyện Quế Phong đang bước vào giai đoạn thoái hóa, cây lùng bị khuy ra quả và chết (theo người dân chu kỳ khuy của cây lùng là khoảng 50 năm 1 lần) đang gây ra lo lắng lớn cho các chủ rừng lùng trên địa bàn huyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Để cây lùng giúp người dân Quế Phong thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO