Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, hoa Mai nở (ảnh Đinh Lơ) |
Nhiều địa phương ở Nam Bộ, dân chúng phát âm “mai” và “may” hao hao nhau. May mắn, ai lại chẳng cầu ước dịp tân niên? Tết nhất, nhà nào mai không nở, coi như… xui xẻo! Nếu mai trổ hoa mà mỗi hoa có số cánh nhiều hơn 5, người ta tin rằng “kim niên vận trình đại cát đại lợi”.
Mai vàng còn gọi là huỳnh mai hoặc hoàng mai. Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, mai lại “anh hoa phát tiết”, thường là 5 cánh vàng rực rỡ. Hiếm hoi, một vài đoá hoa đột biến nở 6 hoặc 7 hoặc 9 cánh, thậm chí tới 12 cánh, thì ai nấy đều rất vui, cho rằng năm mới có nhiều “điềm hên”.
Mai có bốn loại, thông thường là Mai vàng (Huỳnh mai hoặc Hoàng mai). Ba loại hiếm thấy khác ít có giống là Mai trắng (Bạch mai). Mai đỏ (Hồng mai), Mai xanh (Thanh mai).
Thiếu nữ và hoa Mai (ảnh Đinh Lơ) |
Tại Việt Nam, có hai loại đặc biệt thường được xếp riêng các loại mai khác là Mai tứ quý và Song mai.
Mai tứ quý là loại mai có năm cánh vàng như huỳnh mai, khi hoa tàn thì năm cánh rụng, năm đài hoa đổi thành màu đỏ, úp lại, ôm lấy nhụy là hạt màu xanh. Hạt lớn dần đẩy năm đài hoa bung ra giống như hoa mai đỏ. Vì vậy, Mai tứ quý được gọi là "Nhị độ mai" tức là hoa mai nở hai lần, lần đầu cánh hoa có màu vàng, lần sau cánh hoa có màu đỏ. Loại hoa này nở quanh năm.
Song mai là loại mai có hoa có mầu trắng, ra hoa và kết trái từng đôi, nên được gọi là song mai.
Rộn ràng sắc Xuân, trăm Mai đua nở (ảnh Đinh Lơ) |
Ngày nay, nhiều nghệ nhân lai tạo thành công nhiều giống mai lạ. Điển hình là Huỳnh Tỷ lai giống được 24 cánh nhiều tầng, nhưng đặc biệt là Huỳnh Nga lai giống được 120 cánh trên một bông.
Theo nhà báo Phanxipăng, đất Huế có một giống mai vô cùng quý hiếm, thời trước được vua chúa rất thích, gọi là mai ngự hoặc mai hương. Đó là giống mai vàng tuyệt đẹp, lại thơm thoang thoảng. Trong sách Minh Mạng thánh chế ghi: “Thân cây cứng và thẳng; lá xanh lợt mà sáng mịn, nhọn, dài; hoa có 5 cánh; nhuỵ như ngọc; lòng hoàng đàn; cùng giống mai trắng, nhưng sắc vàng thẫm và thơm hơn”.
Hoa Mai nở đầu, trổ trước các loài hoa khác giữa tiết lập Xuân giá rét, nên được phong tặng danh hiệu “bách hoa khôi” (ảnh Thanh Hải) |
Từ nét duyên dáng, thuần khiết bên ngoài cho đến tính khí đức hạnh, kiêu dũng bên trong, hoa Mai được các nhà nho và các thiền sư Việt Nam cũng như Trung Hoa xem là một tấm gương, một biểu tượng của vẻ đẹp vẹn toàn, "bách hoa khôi". Họ đem ghép hoa mai với "tùng" và "trúc" thành một bộ ba "Tam hữu". Cây tùng tượng trưng cho trượng phu, cứng cõi, ngay thẳng; cây trúc tượng trưng cho sự kiên nhẫn, rộng lượng và hoa mai được gọi là "ngự sử mai" tượng trưng cho sự hiểu biết và nét đẹp vẹn toàn. Luận về mai, Nguyễn Trãi đánh giá: “So tam hữu, chẳng bằng mày”. Quả thế, không chỉ giống cốt cách và khí tiết, mai còn sở đắc ưu điểm mà tùng, trúc chẳng thể nào có được là: sắc và hương. Lại nở đầu, trổ trước các loài hoa khác giữa tiết lập Xuân giá rét, nên hoa mai còn được phong tặng danh hiệu “bách hoa khôi”.
Ngoài ra, hoa mai cũng được ghép với lan, cúc, trúc, thành bộ "tứ quý", tức là bốn loại hoa, kiểng quý, tượng trưng của bốn mùa Xuân, Hạ Thu, Đông.
Mai vàng ở cố đô Huế (ảnh Thanh Hải) |
Cụ Chu Thần, Cao Bá Quát là một nho sĩ kiệt liệt, một tài năng văn chương lỗi lạc, một đại anh hùng thế thiên hành đạo, suốt quãng đời bôn ba khắp chốn cầu cổ kiếm để xây dựng sự nghiệp bá vương, cụ không gặp bậc chính nhân quân tử nào có cốt cách như "mai ngự sử", vì vậy cụ đã làm hai câu thơ:
"Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai"
Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê yêu hoa mai vì:
"Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?
Vì tuyết trắng, mai thơ và tinh khiết"
Mai vàng ở Bình Định (ảnh Thanh Hải) |
Nhiều Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam đã dùng hoa mai làm ẩn dụ cho sự hạnh phúc, niềm vui giác ngộ trong những bài kệ để truyền dạy Phật pháp cho Phật tử, cho hậu thế. Bài kệ về "Mùa Xuân Hoa Mai" của Thiền Sư Mãn Giác được phổ biến rộng rãi trong giới Phật tử:
"Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai"
Trong Hội thơ Tao Đàn, vua Lê Thánh Tông có bài thơ "Mai Thụ" (Cội mai) như sau:
"Trội cành nam chiếm một chồi
Tin Xuân mãi mãi điểm cây mai
Tinh thân sáng, thuở trăng tĩnh
Cốt cách Đông khi gió thôi (ngừng)
Tiết cứng trượng phu, thông (tùng) ấy bạn
Nết trong quân tử, trúc là đôi (sánh đôi)
Nhà truyền (thống) thanh bạch dăng từng khối
Phỉ xứng danh thơm đệ nhất thời!"
Mai vàng 120 cánh ở Bến Tre (ảnh Nam Yên) |
Đến cụ Nguyễn Du, lòng yêu mai có lẽ tăng thêm một bậc nữa. Trên đường trở về cố hương trong sau chuyến đi sứ sang Trung Quốc, cụ đã nán lại Từ Châu và chống chọi với giá buốt suốt ba tháng trời chỉ cốt để ngắm mai nở trên đầu núi:
“Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa
Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu non”
(Trích Từ Châu Đạo Trung)
Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi cụ đã sử dụng rất nhiều mỹ từ kèm với "mai" trong tác phẩm bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh như lầu mai, tiên mai, mưa mai, sân mai, hồng mai, song mai, trướng mai, hồn mai, giấc mai.
Tương truyền khi đi sứ sang Tầu vào năm 1813, cụ Nguyễn Du đến thăm một xưởng chế tạo đồ sứ danh tiếng tên Ngoạn Ngọc ở tỉnh Giang Tây. Lúc bấy giờ xưởng đang chuẩn bị chế tạo bộ trà Mai Hạc. Với nhã ý đáng ca ngợi, vị chủ hãng ngỏ lời xin quan chánh sứ phẩm đề một câu để quảng cáo cho kiểu đồ trà này. Người khác ở vào trường hợp tương tự, chắc chắn sẽ nghĩ đến câu thơ chữ Hán. Tuy nhiên, quan chánh sứ lại dùng chữ Nôm của nước nhà mà viết nên câu:
“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
Kết quả là các bộ trà Mai Hạc sản xuất tại Giang Tây trong những năm sau đó có in hai câu thơ Nôm của cụ. Tuy nhiên, vì không biết chữ Nôm, nên các nghệ nhân Trung Hoa đã ghi sai hoặc ghi thiếu vài nét. Thêm nữa, thay vì phải viết thành một hàng 6 chữ, một hàng 8 chữ như quy định của thể thơ lục bát, họ lại viết thành ba hoặc bốn hàng với số chữ phân chia như sau: 6 + 2 + 6 (ba hàng), 5 + 2 + 5 + 2 (bốn hàng), 4 + 3 + 4 + 3 (bốn hàng). Kể cũng là một giai thoại thú vị.
Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có rất nhiều câu thơ nói về hoa mai:
"Thướt tha vóc liễu Xuân đầy
Cành mai xa bẻ ngất ngây ý sầu
Biết chàng lòng có thương sâu
Chúa Xuân ngán nỗi chờ lâu mỏi mòn"
hay: “Thiền trà cạn nước hồng mai
Thong dong nối gót thư trai cùng về”
Nhân ngày Xuân, đôi dòng về hoa Mai - loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liền nghĩ đến hoa Mai, nói đến hoa Mai người ta liền nghĩ đến mùa Xuân.