Với mục đích nâng cao nhận thức và kêu gọi giới trẻ thể hiện vai trò tích cực trong các nỗ lực bảo vệ gấu, cuộc thi mang đến cơ hội cho các bạn trẻ tham gia viết những lá thư gửi đến các chủ nuôi nhốt gấu, khuyến khích họ sớm tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Ngày Gấu Việt Nam năm nay được tổ chức, đánh dấu một năm với nhiều thành tựu trong các nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Tính đến tháng 10 năm 2018, số lượng gấu bị nuôi nhốt chỉ còn khoảng gần 800 cá thể, giảm đáng kể so với hơn 4,300 cá thể gấu từng bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước vào năm 2005. Cũng trong tháng 11 này, ba cá thể gấu nuôi tại Đồng Nai, Bến Tre và Lâm Đồng đã được chủ gấu chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ, nâng tổng số gấu được tự nguyện chuyển giao trong năm nay lên 18 cá thể. Bên cạnh đó, Ninh Bình, Cần Thơ và Bến Tre là ba tỉnh mới nhất thành công chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu trong năm nay, nâng tổng số địa phương không có gấu nuôi nhốt trong cả nước lên con số 23.
Tuy nhiên, cuộc chiến bảo vệ gấu sẽ chỉ có thể kết thúc thắng lợi nếu nhận được sự ủng hộ và chung tay từ cả cộng đồng.
Theo nghiên cứu của ENV công bố năm 2015, nhu cầu tiêu thụ mật gấu ở Việt Nam năm 2014 đã giảm trên 60% so với 5 năm trước đó, cho thấy cộng đồng đang dần từ bỏ thói quen sử dụng và quan niệm cố hủ về tác dụng của mật gấu. Điều này cũng góp phần làm giảm lợi nhuận mà hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật mang lại. Chi phí đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận thu về ngày càng thấp cùng với việc gia tăng áp lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng đã khiến hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật gấu dần thoái trào và nhiều chủ nuôi đã quyết định từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu.
Đã đến lúc gia tăng áp lực để các chủ gấu từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu. Bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Những chủ gấu cần phải hiểu rằng kinh doanh mật gấu ở Việt Nam là vi phạm pháp luật hình sự. Cộng đồng cũng đang quay lưng với hoạt động lỗi thời này bằng việc không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu”.
Với sự ra đời của nhiều trung tâm cứu hộ, phúc lợi gấu trên khắp cả nước, nhiều chủ nuôi gấu đã tự nguyện chuyển giao nhằm đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cá thể gấu nuôi của mình tại các trung tâm cứu hộ chuyên biệt này. Tại đây, các cá thể gấu được chăm sóc sức khỏe, phục hồi bản năng, tận hưởng tự do ở khu bán hoang dã rộng lớn và sẽ không phải chịu đựng những đau đớn vì bị trích hút mật chỉ bởi nhu cầu sử dụng của con người. Bà Dung bày tỏ tin tưởng: “Cuộc thi đem đến cơ hội cho cộng đồng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ với những chủ nuôi nhốt gấu, từ đó đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm chấm dứt hoàn toàn hoạt động nuôi nhốt gấu tàn nhẫn và bất hợp pháp này”.
Bà Dung cũng kêu gọi cộng đồng cam kết không sử dụng mật gấu, lan tỏa thông điệp bảo vệ gấu đến những người xung quanh và thông báo các vi phạm về gấu đến đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã 1800 - 1522.
ENV hi vọng cuộc thi sẽ thu hút hàng nghìn tác phẩm tham dự trong suốt thời gian phát động từ nay đến 15/3/2019.
Cuộc thi là một phần trong chiến dịch dài hơi của nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection), Tổ chức FOUR PAWS với mục tiêu thúc đẩy tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu ở Việt Nam.