Ngày cuối năm ở phố núi Hoàng Su Phì, Đồng Văn

Lê Khanh| 01/01/2021 09:26

(TN&MT) - Chúng tôi đến huyện Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang vào ngày cuối cùng của năm 2020, khi mà nhiệt độ ở vùng biên ải này xuống dưới 14 độ C. Rét cắt da cắt thịt nhưng không ngăn được bước chân của những người “thích khám phá những miền đất lạ”.

1, Sau khi vượt qua những “cổng trời” với hàng chục khúc đèo quanh co uốn lượn, ba “con ngựa sắt” đưa tôi đến Hoàng Su Phì- một huyện vùng sâu vùng xa nhất của Hà Giang. Sương mịt mù giăng khắp những ngọn núi cao. Sương lạnh toát sà vào mặt. Trái ngược với chúng tôi “đệm” 4 áo, găng tay, dầy, mũ “phủ kín” từ đầu đến chân, thì những em bé ở phố núi Hoàng Su Phì và dọc đường chúng tôi gặp dường như…. không biết lạnh.

Lò A Thẩy- người phụ nữ chúng tôi gặp trên đường cùng 3 con gùi củi xuống chợ phiên bán cho người “phố núi” Hoàng Su Phì. Chị Thẩy bảo: “phiên chợ cuối năm mua may bán đắt. Tao đi bán lấy tiền mua váy áo cho con mặc chơi Tết. Gạo nhà tao nhiều rồi, còn thiếu áo váy mới thôi”. “Chỗ củi này chị bán bao nhiêu tiền?”- tôi hỏi. “Bó nhỏ 60 ngàn, bó to 80 ngàn. Bốn mẹ con hôm nay bán hết mua được váy đẹp cho tao. Ngày mai mua váy cho con kia (con gái của A Thẩy-PV). Trời rét lắm đó. Gặp trời mưa đường trơn, sương mù mịt”, A Thẩy chỉ tay lên đỉnh núi sương mù mịt nói.

Thị trấn Hoàng Su Phì ngày cuối cùng của năm cũ 2020 nhộn nhịp khác thường. Ở đây cái lạnh đỡ hơn. Sáng sớm, người dân đã đem rau quả ra trước cổng ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì bày bán rau quả và măng rừng. Không khí đón Tết dương lịch ở phố núi này nhộn nhịp hơn khi chính quyền xã cho treo cờ, hoa trên dọc những cây cột điện.

Bà Sàng A Lầu đã sống ở Hoàng Su Phì gần  hết đời người. Năm nào phiên chợ cuối năm bà cũng đưa con ra chợ bán măng rừng. Mỗi cây măng bán 2 -5 ngàn. Tiền bán được bà mua váy, áo cho bà và hai đứa con. “Tao phải bán 4 ngày mới đủ tiền mua váy áo. Tết nay vui lắm vì nhà có nhiều gạo rồi. Gà, thịt trâu cũng có rồi. Chỉ thích đi chợ chơi thôi. Bụng no rồi”- bà Lầu trả lời như thế khi tôi hỏi “bà sắm được những gì cho ngày Tết dương lịch”?

2, Rời Hoàng Su Phì, chúng tôi tiếp tục vượt qua những cung đèo “cổ ngỗng” lưng chừng núi. Sương rơi lạnh toát. Có lúc sương giăng mờ chỉ nhìn phía trước được khoảng 10 mét dù bật đèn pha. Bỏ lại phía sau những ngọn núi tai bèo nhọn hoắt và những đồi ngô bạt ngàn.  

Gặp hai em nhỏ bên vệ đường chơi trò nhặt sỏi cách chợ Đồng Văn 31 km. Em Vàng Su Theo, 14 tuổi bảo:  “con chơi ở đây chờ mẹ đi chợ về. Mẹ nói nay mẹ mua váy đẹp cho con”. Lân la hỏi chuyện, tôi biết mẹ của hai em bé này đi chợ phiên cuối năm ở phố chợ Đồng Văn từ đêm. Nhà của hai em cách chợ Đồng Văn ba ngọn núi. Đến được chợ, mẹ của các em phải đi từ nửa đêm, có khi đi từ chiều hôm trước.

Và không chỉ hai chị em Vàng A Theo, mà nhiều đứa trẻ khác cũng ra đường chờ mẹ mua váy áo về để đi chơi Tết dương lịch.

Thung lũng Thị trấn Đồng Văn hiện dần trong ánh nắng ảm đạm. Những ngôi nhà “ẩn mình” dưới những ngọn núi. Chợ cổ Đồng Văn sáng sớm lặng lẽ, trầm mặc vì cái lạnh cắt da. Chỉ có những “phượt thủ” như chúng tôi là “đi bất cứ đâu” khi niềm đam mê trỗi dậy.

Những hình ảnh mới nhất về ngày cuối năm ở phố núi Hoàng Su Phì miền biên ải của Tổ quốc: 

Xuống chợ

Mây mù che phủ kín những đỉnh núi cao

Người dân Hoàng Su Phì bán rau củ quả ngày cuối năm

Phiên chợ hầu như không có hàng thịt, cá

Một góc phố núi nhộn nhịp hơn

Mẹ con bà Sàng A Lầu đi bán củi mua áy áo

Những em bé chờ mẹ đi chợ mua váy áo về chơi Tết

Những em bé vùng cao

Đường vào phố núi Đồng Văn

Phố núi Đồng Văn nép dưới những ngọn núi cao mây phủ ngút trời

Một góc phố cổ Đồng Văn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày cuối năm ở phố núi Hoàng Su Phì, Đồng Văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO