Ảnh minh họa |
Thông tin các ca nhiễm mới
Tính từ 18h ngày 22/8 đến 18h30 ngày 23/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.280 ca nhiễm mới, trong đó, 14 ca nhập cảnh và 10.266 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4.251), Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152), Đắk Lắk (128), Khánh Hòa (125), Nghệ An (111), Đồng Tháp (100), Cần Thơ (85), An Giang (75), Bến Tre (65), Kiên Giang (57), Phú Yên (43), Hà Nội (40), Bình Thuận (36), Trà Vinh (34), Sơn La (21), Bình Định (19), Tây Ninh (17), Thừa Thiên - Huế (17), Bình Phước (13), Vĩnh Long (10), Bắc Giang (9), Quảng Nam (8 ), Đắk Nông (7), Ninh Bình (6), Quảng Bình (6), Gia Lai (5), Bạc Liêu (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (2), Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1). Trong đó, có 6.021 ca trong cộng đồng.
Ngày 23/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đăng ký bổ sung 117 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19.
Như vậy trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 942 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 58 ca, Bình Dương giảm 612 ca, Đồng Nai giảm 226 ca, Tiền Giang giảm 250 ca, Long An tăng 23 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 358.456 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.646 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 354.355 ca, trong đó, có 151.838 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (180.245), Bình Dương (73.425), Đồng Nai (18.311), Long An (18.193), Tiền Giang (7.743).
Tình hình điều trị
Bộ Y tế cho biết, trong ngày 23/8 có 6.945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 154.612 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 711 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 26 ca.
Ngày 23/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 389 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (340), Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Bà Rịa ), Vũng Tàu (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Tình hình xét nghiệm, tiêm chủng
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 269.928 xét nghiệm cho 539.008 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay, đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
Trong ngày 22/8 có 298.376 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 17.364.569 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.
Sẵn sàng thuốc Molnupiravir điều trị F0 có kiểm soát tại nhà và cộng đồng
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước đã sẵn sàng cho việc tài trợ những lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều và đến 5/9 sẽ cung cấp tiếp 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg). Song song, lô hàng thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300.000 viên 200mg đủ cho hơn 7.500 liều về đến Việt Nam trong ngày 23/8. Dự kiến ngày 28/8, thêm 1.700.000 viên 200mg đủ cho 50.000 liều sẽ được đưa về. Đồng thời các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong chương trình trong đầu tháng 9/2021.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, chiến lược hỗ trợ người bệnh F0 điều trị tại nhà và cộng đồng được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về quản lý, chăm sóc, điều trị, đảm bảo để các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng, dự kiến bắt đầu vào 25/8 tại địa phương này.
Trong chương trình, các trường hợp mắc COVID-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, và sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care. Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
Việc triển khai cũng như các kết quả của chương trình sẽ được ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ y tế theo một đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Những hoạt động của ngành y tế trong ngày
Bộ Y tế tiếp nhận 501.600 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Astra Zeneca do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam.
Ngày 22/8, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Công văn khẩn số 5897/SYT-NVY về hướng dẫn công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn phường, xã, thị trấn trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngày 22/8, một số quận, huyện ở TP.HCM đã bắt đầu thực hiện thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 (test nhanh COVID-19) tại nhà.
Theo kế hoạch, có khoảng 400 trạm sẽ được thành lập và đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh trước ngày 24/8/2021 (giai đoạn 1) và trước ngày 27/8/2021 (giai đoạn 2). Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 người F0.
Tỉnh Long An triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động tại 5 địa phương tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và thành phố Tân An.