Thời sự

Ngành TN&MT Thừa Thiên – Huế: Phát huy năng lực, nguồn lực góp phần đưa tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương

Văn Dinh 12/01/2024 08:53

(TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Năm nay, ngành TN&MT tiếp tục nỗ lực, phát huy các nguồn lực và năng lực để góp phần đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

a1.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Dinh

Nhiều thành quả

Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2023, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, tham mưu và tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, năm vừa qua, đã tham mưu, trình UBND tỉnh giao đất không thu tiền sử dụng đất 11 dự án với diện tích 33,6 ha; giao đất cho Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh để quản lý với diện tích 39,04 ha; cho thuê đất 52 dự án với diện tích 341,26 ha; thu hồi đất 32 dự án với diện tích 495,9 ha.

Đã cấp được 2.430 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với hộ gia đình cá nhân, với diện tích 405,04 ha; cấp đổi được 131 giấy chứng nhận đối với tổ chức kinh tế, tôn giáo; cấp đổi được 17.678 giấy chứng nhận đối với hộ gia đình cá nhân. Lũy kế từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp (ngày 21/3/2016) đến nay, đã ký cấp đổi được 123.773 giấy chứng nhận đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân và 65.157 giấy chứng nhận đất nông nghiệp theo dự án do các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển đến.

a2.jpg
Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT phát biểu. Ảnh: Văn Dinh

Đến nay, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt hệ số giá đất để tính tiền bồi thường cho 243 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức 9 cuộc họp của Hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với UBND TP. Huế làm việc với Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất– Bộ Tài nguyên và Môi trường xin điều chỉnh, bổ sung và áp dụng khung chính sách giải phóng mặt bằng dự án Kinh thành Huế để thực hiện dự án giai đoạn 2.

Trong năm qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản với số lượng 21 hồ sơ; cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung 4 Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đã tham mưu phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước với tổng số tiền 10,567 tỷ đồng. Đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh năm 2023 gồm có 4 khu vực mỏ khoáng sản và tổ chức đấu giá thành công 4/4 khu vực mỏ; giá trúng đấu giá với số tiền tạm tính hơn 69 tỷ đồng (tăng 7,5 lần so với giá khởi điểm là 9,2 tỷ đồng).

Sở đã tiếp nhận, thẩm định, trình phê duyệt 53 hồ sơ Dự án báo cáo đánh giá tác động môi trường và 34 giấy phép môi trường. Triển khai xây dựng hoàn thành Dự án Nhà máy Điện rác Phú Sơn, với quy mô xử lý chất thải rắn 600 tấn/ngày theo công nghệ đốt rác phát điện hiện đại, đã bắt đầu tiếp nhận rác từ ngày 1/9/2023; hoàn thiện lò đốt chất thải rắn có quy mô 20 tấn/ngày tại khu xử lý Lộc Thủy…

a3.jpg
Các đại biểu chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Dinh

Cũng trong năm qua, ngành TN&MT đã tiến hành 29 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 73 tổ chức và đơn vị trong các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc, bản đồ. Qua công tác thanh, kiểm tra, Chánh tranh tra Sở đã ban hành 32 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 469.005.312 đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc 1 tổ chức nộp lại số lợi do thực hiện hành vi vi phạm là 7.755.000 đồng và 1 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc 1 tổ chức nộp lại giấy phép đo đạc và bản đồ cho cơ quan cấp phép. Ngoài ra, Sở đã chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt đối với 10 tổ chức với tổng số tiền phạt là 1.730.250.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc 4 tổ chức nộp lại số lợi do thực hiện hành vi vi phạm là 901.387.357 đồng.

Đến ngày 31/12/2023, thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh đạt 1.580,500 tỷ đồng. Trong đó cấp tỉnh 845 tỷ đồng, cấp huyện 735 tỷ đồng; thu tiền thuê đất toàn tỉnh đạt 465,5 tỷ đồng, đạt 387,91 % kế hoạch giao từ đầu năm (120 tỷ đồng).

Hội nghị đã được nghe đại diện các đơn vị thuộc Sở TN&MT, chính quyền địa phương các huyện, thị nêu lên kiến nghị, góp ý, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó có một số vấn đề như giá đất, công tác đấu giá các mỏ đất, công tác giao đất; rác thải, đất nông lâm trường; việc quy định trách nhiệm trong từng cơ quan, đơn vị, bộ phận khi xảy ra sự việc; nghiên cứu đầu tư các trạm quan trắc tự động…

a4.jpg
Đại diện các đơn vị, chính quyền địa phương nêu lên kiến nghị, góp ý, đề xuất những giải pháp.
Ảnh: Văn Dinh

Tiếp tục phát huy năng lực, nguồn lực

Theo Sở TN&MT, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu tổng quát của ngành là thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững, quản lý chặt chẽ, khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; bảo tồn, sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học; chủ động kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; đồng thời nhằm thực hiện tốt hơn công tác tham mưu, quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế sẽ tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm.

a5.jpg
Giám đốc Sở TN&MT - Lê Bá Phúc chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Văn Dinh

Trong đó, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng tham mưu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng việc khai thác sử dụng tài nguyên phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, công nghệ cao thân thiện với môi trường gắn với xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khai thác có hiệu quả các giá trị sinh thái của các khu bảo tồn thiên thiên gắn với phát triển du lịch và ứng phó một cách chủ động trước các tác động của biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác truyền thông để người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Mặt khác, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, khai thác vận hành tốt cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống…

a6.jpg
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo tại Hội nghị.
Ảnh: Văn Dinh

Tại Hội nghị, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận và biểu dương những thành quả mà ngành TN&MT làm được trong thời gian qua, đóng góp lớn và quan trọng vào việc phát triển KT – XH, đồng thời cho rằng, TN&MT là lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn, cực kỳ quan trọng, rộng lớn, khối lượng công việc “đồ sộ”, “bây giờ đa số làm gì cũng liên quan đất đai, môi trường” và lãnh đạo tỉnh luôn giành rất nhiều thời gian quan tâm cho ngành.

“Năm 2024 là năm hết sức quan trọng, năm then chốt, năm bứt phá để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó ngành TN&MT có ảnh hưởng rất lớn, cần phải nỗ lực, phát huy năng lực và nguồn lực cũng như khắc phục hạn chế tồn tại; tỉnh ghi nhận các kiến nghị của Sở TN&MT và yêu cầu ngành thúc đẩy nhanh công tác lập, trình và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 đảm bảo các quy định pháp luật; cần tích cực hơn nữa trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khắc phục khó khăn để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, công tác quản lý; đề nghị Sở TN&MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức thực hiện các thủ tục để đẩy nhanh thu tiền sử dụng đất trong năm 2024; cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra nhất là các dự án không sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, không đúng thời hạn. Ngoài ra cần triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) ngay sau khi được ban hành, kịp thời đưa các quy định pháp luật về đất đai đi vào thực tiễn”, ông Phương nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành TN&MT Thừa Thiên – Huế phấn đấu đạt 99,5% số thửa đất được kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Thu tiền sử dụng đất, thuê đất đạt 1.552,0 tỷ đồng; thu thuê nhà đạt 1,2 tỷ đồng. 70% số phường, thị trấn và 50% các xã triển khai phân loại rác thải tại nguồn; phấn đấu giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30 %. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý năm 2024 đạt 95 %...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành TN&MT Thừa Thiên – Huế: Phát huy năng lực, nguồn lực góp phần đưa tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO