Ngày 27/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh; Đại diện lãnh đạo huyện, thị và thành phố; Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tham dự.
Kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc
Báo cáo sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Hoạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, cơ sở, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch đề ra từ đầu năm và các nhiệm vụ đột xuất, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, sự hài lòng người dân trên địa bàn.
Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua 3 Nghị quyết; ban hành bốn Quyết định quy phạm pháp luật; trình UBND tỉnh Dự thảo Quyết định ban hành Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh; trình Sở Tư pháp thẩm định hai Dự thảo Quyết định; ban hành các Văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Việc ban hành các quyết định, quy định, văn bản chỉ đạo trên các lĩnh vực nêu trên đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở các địa phương, cơ sở.
Theo đó, công tác quản lý đất đai ngày càng được Sở TN&MT Hà Tĩnh quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Trong đó, trọng tâm như: Tập trung hoàn thành công tác cấp Giấy CNQSD đất, công nhận, công nhận lại đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai; tập trung thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và thực hiện hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nề nếp. Sở TN&MT Hà Tĩnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, quy chế quản lý, vận hành, như: Hệ thống quan trắc môi trường tự động; Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Hợp phần 1 - Tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường biển tỉnh Hà Tĩnh; Nghiệm thu kết quả Dự án Tăng cường năng lực quan trắc môi trường và nâng cấp hệ thống nhận, truyền, quản lý dữ liệu quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…
Riêng lĩnh vực khoáng sản, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động khai thác khoáng sản, không để xẩy ra tình trạng mất cân bằng cung – cầu hoặc khan hiếm giả tạo, tăng giá đột biến nguồn vật liệu khoáng sản, đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời rà soát báo cáo và tham mưu UBND tỉnh xem xét phê duyệt kết hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 đối với 14 khu vực mỏ khoáng sản (11 khu vực mỏ đất, 02 khu vực mỏ cát xây dựng và 01 mỏ đá xây dựng).
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoạch, 6 tháng đầu năm, công tác quản lý Nhà nước về biển, đảo, biến đổi khí hậu được thực hiện thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lĩnh vực tài nguyên và môi trường được tăng cường, nhất là những địa điểm nóng, dễ phát sinh ô nhiễm môi trường, vi phạm đất đai, khoáng sản.
Nêu cao trách nhiệm để đổi lấy chất lượng
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã trình bày những kế hoạch tiếp theo trong sáu tháng cuối năm, trong đó nhấn mạnh vao trò, trách nhiệm để đổi lấy hiệu quả, chất lượng hoạt động. Trọng tâm là: rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập danh mục công trình dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo kịp thời, chất lượng.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoanh định điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản theo kế hoạch đã được duyệt, tham mưu cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam và các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Xây dựng Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; hoàn thành Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2023- chuyên đề “Môi trường trong nuôi trồng thủy sản”; Xây dựng, triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cấp tỉnh; Kế hoạch hành động Chiến lược về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mặt khác, thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân có sử dụng đất, mặt nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân đã được thanh tra, kiểm tra năm 2019 - 2022 và việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các địa phương đã được thanh tra, kiểm tra có tồn tại yêu cầu phải khắc phục tại các Kết luận thanh tra, kiểm tra.
Xác định khó khăn, tồn tại chính là nhiệm vụ
Về dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao những kết quả đạt được mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói riêng, ngành nói chung đặt ra ngay từ đầu năm 2023, đồng thời chia sẽ những khó khăn, áp lực trong thời gian tới là rất lớn, với nhiều nhiệm vụ quan trọng.
“Lĩnh vực tài nguyên và môi trường luôn chất chứa nhiều khó khăn, áp lực, đối tượng tác động rộng lớn nên luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như người dân. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành phải xem đó là vinh dự, lấy khó khăn làm tiêu chí để phấn đấu”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị trong thời gia tới Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như ngành phải kịp thời khắc phục, xác định khó khăn, tồn tại chính là nhiệm vụ phải được giải quyết.
Một số nội dung cụ thể như: Khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế trong quá trình lập, thẩm định, trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, danh mục công trình dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện cấp giấy CNQSD đất, công nhận, công nhận lại đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 cho các hộ gia đình, cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về tập trung, tích tụ ruộng đất; phối hợp với các sở, ngành kịp thời hướng dẫn, nghiệm thu chính sách hỗ trợ về tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh.
Tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chậm đưa đất vào sử dụng. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tăng cường cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Vừa qua, đường dây nóng của lãnh đạo tỉnh có rất nhiều ý kiến phản ánh, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai đề cập đến thái độ phục vụ nhân dân.