Chủ đề này là nguồn cổ vũ to lớn tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tạo dấu mốc vẻ vang, khẳng định những thành tựu quan trọng của toàn Ngành trong giai đoạn mới.
Chặng đường mới, quyết tâm cao
Trong tâm thế mới với tinh thần quyết tâm cao, giai đoạn mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở từng vị trí của mình không chỉ thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, cơ quan đơn vị, trong sạch vững mạnh, đề cao phòng chống tham nhũng, mà còn không ngừng rèn luyện để trở thành những cán bộ toàn diện, giỏi về chuyên môn, khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thi đua toàn Ngành cần đề xuất, hiến kế các chủ trương, chính sách mang tính đổi mới, đột phá về thể chế; xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững; thi đua học tập, nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu của Cách mạng công nghệ lần thứ Tư, trí tuệ nhân tạo, đề xuất những sáng kiến, giải pháp và mô hình nâng cao hiệu quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Đồng thời, toàn Ngành cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, tổ chức bộ máy và xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả và tiêu chí đánh giá.
Đặc biệt là thực hiện công thức 4 - 3 - 2 trong giải quyết thủ tục hành chính là: “Bốn tăng: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân”; Ba giảm: “Giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện”; Hai không: “Không sách nhiễu, không trễ hẹn”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa trao tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Khương Trung |
Thi đua để bứt phá toàn diện
Với những giải pháp trọng tâm, với khí thế mới, quyết tâm cao, cùng những nền tảng đã xây dựng trong những năm qua, trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn Ngành đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác thi đua khen thưởng, trong đó, chú trọng đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, toàn Ngành tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Toàn Ngành tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng, phát động và tổ chức thực hiện các Phong trào Thi đua yêu nước; gắn Phong trào Thi đua yêu nước với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; huy động sức mạnh của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chương trình Kế hoạch công tác giai đoạn 2020 - 2025.
Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng thẩm định và xét duyệt các sáng kiến để từ đó nâng cao chất lượng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng; đảm bảo các tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thật sự tiêu biểu, để các tập thể, cá nhân khác noi gương học tập. Chú trọng phát hiện các nhân tố tiêu biểu xuất sắc để khen thưởng thành tích đột xuất, thành tích theo chuyên đề, khuyến khích phát triển những nhân tố mới, các sản phẩm mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến; xây dựng kế hoạch cụ thể về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 - 2025; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình thực tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngành nhằm nâng cao năng lực để đáp ứng được với yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới; củng cố, kiện toàn Quỹ thi đua, khen thưởng thuộc Hội đồng Thi đua, Khen thưởng cấp Bộ để đảm bảo hoạt động của Quỹ hiệu quả, thuận lợi và huy động được sự đóng góp hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Với những nhiệm vụ trọng tâm, khí thế mới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng toàn ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ luôn hành động, chung sức, đồng lòng, thi đua sáng tạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong giai đoạn mới xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.