Ngành TN&MT Bình Định: Thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản

Mỹ Bình | 02/10/2021 22:11

(TN&MT) - Từ khi thực hiện Chỉ thị số 38, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản thì tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng đi vào nề nếp, khai thác khoáng sản trái phép được hạn chế và bị xử lý nghiêm minh.

Trước đây, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định với quy mô nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, hiệu quả kinh tế còn hạn chế, chưa thu hồi tối đa tài nguyên. Sau Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương, của UBND tỉnh Bình Định thì việc quản lý hoạt động khoáng sản có hiệu quả hơn, hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng hiện đại, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho địa phương. Một số địa phương có mỏ khai thác được đầu tư hạ tầng giao thông, công trình công cộng từ nguồn thu của hoạt động khoáng sản và hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38, ngày 29/9/2020, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 6680, ngày 05/10/2020 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành triển khai Chỉ thị. Qua đó các ngành và chính quyền địa phương các cấp đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của UBND tỉnh, tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng đi vào nề nếp và khai thác khoáng sản trái phép được hạn chế và bị xử lý nghiêm minh.

Khai thác cát trên sông Hà Thanh

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định về Kết quả thực hiện Chỉ thị số 38, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020.

Trong năm 2020, giá trị công nghiệp khai khoáng ước đạt khoảng 650 tỷ đồng (giảm khoảng 15% so với năm 2019), nộp ngân sách khoảng 180 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 4.000 lao động, thu nhập bình quân tháng của người lao động khoảng 6,5 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương trong khai thác khoáng sản ước khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực khoáng sản. Trên cơ sở quy định pháp luật về khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn các quy định về khoáng sản, nhất là công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và trách nhiệm của chính quyền địa phương, cùng với việc tuyên truyền chính sách pháp luật về khoáng sản.

Khai thác cát trên sông La Tinh

Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tính và trình UBND tỉnh ban hành 214 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải nộp gần 500 tỷ đồng, đến nay đã nộp 170 tỷ đồng, số tiền còn lại nộp cho các năm tiếp theo. Trong đó, từ khi có Chỉ thị số 38/CT-TTg đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tính và trình UBND tỉnh ban hành 29 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phải nộp gần 18,7 tỷ đồng, đến nay đã nộp 9 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu giá thành công 29 mỏ khoáng sản (13 mỏ cát sông, 2 mỏ cát tô, 1 mỏ cát khuôn đúc, 6 mỏ đất san lấp, 4 mỏ đất sét và 3 mỏ đá xây dựng) số tiền dự kiến thu được từ việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản hơn 42 tỷ đồng (chưa tính đến các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan khác như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuê đất, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng).

Hiện nay, Bình Định có 140 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực và hoạt động, cụ thể: đá làm VLXD có 64 mỏ, cát làm khuôn đúc 2 mỏ, cát nhiễm mặn 1 mỏ, cát sỏi lòng sông có 39 mỏ, đất san lấp 33 mỏ, đất sét 1 mỏ. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 8 giấy phép còn hiệu lực (trong đó đá granite 3 giấy phép, titan 5 giấy phép, nước khoáng 1 giấy phép).

Khai thác đất ở xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn

Công tác thanh kiểm tra trên lĩnh vực khoáng sản được tiếp tục tăng cường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tại 41 mỏ cát của 39 doanh nghiệp và 21 mỏ đất san lấp của 21 doanh nghiệp.

Trong năm 2020, Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 trường hợp, với tổng số tiền hơn 400.000.000 đồng và không gia hạn cấp phép cho 18 mỏ cát lòng sông do ảnh hưởng môi trường, đề xuất UBND tỉnh xử lý 1 trường hợp khai thác đất trái phép với số tiền 90.000.000 đồng và truy thu hơn 1,9 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý khoảng 31 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 530 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh thu hồi 11 Giấy phép khai thác khoáng sản do vi phạm Luật Khoáng sản.

Khai thác đá trên núi Hòn Chà

Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giảm thiểu quy trình cấp phép khai thác loại khoáng sản cát, sỏi lòng sông và đất san lấp làm vật liệu để phục vụ xây dựng hạ tầng và dân sinh.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét sớm khoanh định và công bố các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ còn lại theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định để tỉnh có điều kiện lựa chọn một số khu vực thuận lợi, lập kế hoạch và triển khai đấu giá một số mỏ, đặc biệt là các mỏ đá trên địa bàn tỉnh.

Đối với các mỏ cấp qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc phục vụ các công trình ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Bình Định kiến nghị cho cơ chế Nhà nước thu hồi đất để cho doanh nghiệp thuê đất khai thác khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành TN&MT Bình Định: Thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO