Môi trường

Ngành giấy đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn

Nguyễn Hiền - Thu Thuỷ 18/10/2024 - 13:59

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã tổ chức Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy Việt Nam".

Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy; ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Bộ phận Quan hệ đối tác Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam - VCCI, cùng các doanh nghiệp ngành giấy trong và ngoài nước...

thang.jpg
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Phát biểu tại Hội thảo TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Ngành giấy là một trong những ngành có tiềm năng lớn trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn. Giấy là một sản phẩm có thể tái chế nhiều lần và việc xây dựng hệ thống thu gom, tái chế giấy hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp cũng như giảm nhu cầu khai thác nguyên liệu thô. Các mô hình tái chế giấy đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, đem lại những kết quả tích cực. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy.

z5941729625924_11825e0bde01f2ad6996cf5d2133ca67.jpg
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy là tất yếu bởi nó là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi xanh, đạt được nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn giúp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần phục hồi, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ phù hợp với xu hướng chính sách trên toàn thế giới, mà còn được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính xanh, sự phát triển của khoa học công nghệ và chuyển đổi số Việt Nam đã và đang hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện một cách có hệ thống để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành lĩnh vực.

z5941713790856_37da1c8b5e5810dcb9bf308ee20f1e94.jpg
Ông Hoàng Trung Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu tạo Hội thảo

Chia sẻ về hiện trạng kinh tế tuần hoàn ngành giấy tại các nước trên thế giới và Việt Nam ông Hoàng Trung Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: Ngành giấy có nhiều cơ hội, tiềm năng để thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua tái chế để giảm khai thác tài nguyên, tác động lên môi trường; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước và năng lượng; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo (sinh khối, mặt trời)...

Đến năm 2022, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó 20 doanh nghiệp lớn đóng góp 65% sản lượng. Sản lượng toàn ngành đạt 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, trong đó giấy bao bì chiếm trên 80%. Giấy thu hồi, từ trong nước và nhập khẩu, vẫn là nguồn nguyên liệu chủ lực. Ngành giấy được xem là hình mẫu lý tưởng cho kinh tế tuần hoàn khi gần như toàn bộ chất thải đều có thể được tái chế, tái sử dụng. Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới, ngành vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu bột giấy do chưa tận dụng hết tiềm năng nguồn nguyên liệu trong nước.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Khoa học công nghệ phát triển nhanh cả về trí tuệ nhân tạo, việc tự động hóa chuyên ngành giấy giúp nâng cao năng suất, chất lượng và tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. Chính phủ khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn theo xu thế toàn cầu cùng với cam kết của chính phủ tại COP 26 đạt rác thải dòng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Theo đó, định hướng của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam về thiết kế sản phẩm từ bột giấy, giấy Tissie, giấy văn hoá (in, viết, photo) phát triển sản phẩm giấy có định lượng thấp với chất lượng cao, có độ trắng thấp phù hợp hoặc không tẩy trắng. Ngoài ra, về sản phẩm giấy bao bì công nghiệp sẽ hướng tới không tráng phủ hoặc trắng phủ nhẹ, hạn chế sử dụng giấy trắng phủ thay vào đó sẽ sử dụng thùng carton có độ bền cao.

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (Điện mặt trời, điện gió) và điện sinh khối, điện đồng phát trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch. Giảm tiêu hao năng lượng (điện, hơi sấy) và nước sạch, giảm phát thải trong sản xuất; Tăng cường hơn nữa tỷ lệ thu gom và tái chế sản phẩm giấy đã qua sử dụng; Đầu tư cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường (ESG).

Tai hội thảo, đại diện của một số các doanh nghiệp đã chia sẻ về chu trình tuần hoàn phát triển xanh, bền vững cũng như những kinh nghiệm thực tiễn, tối ưu hóa việc tuần hoàn, sử dụng chất thải rắn và xử lý khí thải trong ngành giấy cho phát điện lò hơi, kiểm kê khí nhà kính tích hợp ESG và kinh tế tuần hoàn. Đưa ra nhiều giải pháp sấy bùn, tái chế nước thải trong sản xuất giấy theo mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt là những định hướng rõ ràng về xây dựng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp.

Đại diện VPPA đã đề xuất cần xây dựng khung pháp lý chắc chắn giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền hạn và nghĩa vụ trong phát triển kinh tế. Có hướng dẫn cụ thể về thuế VAT và tiêu chí tín dụng xanh để thúc đẩy thu gom và tái chế nguyên liệu. Đưa ra những giải pháp hiệu quả về quản lý hóa đơn điện tử để giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Giảm tỷ lệ ký quỹ và cho phép tăng khối lượng nhập khẩu nguyên liệu tái chế, khuyến khích doanh nghiệp trong thu gom và phân loại giấy tái chế như nguyên liệu thứ cấp... để ngành giấy tận dụng được tốt hơn cơ hội phát triển trong kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Một số các sản phẩm thân thiện với môi trường từ giấy và bột giấy:

z5941647557654_090edfc5854e6fecea5e8cc1045c7718.jpg
z5941647557410_12a8a7f90ee38dbc2011f84f9f82c1f3.jpg
z5941741295923_3a33059b48fd612fcf2312bb3ed46062.jpg
z5941741664745_af230b29a06072fc0fc553d50d6c9582.jpg
z5941741560205_1ac8013ddfbad4dc0bfd03cf6a9f704c.jpg
z5941741457011_2c37692ad26db1f0ef323c856a62a4c0.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giấy đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO