Ngành giáo dục với công tác bảo vệ môi trường: Thay đổi hành vi ứng xử với môi trường từ những hoạt động nhỏ

Thảo Linh| 18/11/2021 12:09

(TN&MT) - Sau những nỗ lực của ngành giáo dục, ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường đã được chuyển hóa thành thái độ ứng xử, hành vi ngay từ lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất.

Trên cả nước, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giáo dục môi trường như: trồng và chăm sóc cây xanh (mỗi khu vực mảng xanh trong trường sẽ được giao cho một khối lớp nhất định để học sinh thường xuyên có nhiệm vụ tưới cây, bắt sâu, bón phân cho cây...); dạy học sinh cách phân loại rác (bao gồm rác độc hại, rác thông thường, rác có thể tái chế) và bỏ rác đúng nơi quy định; vận động học sinh giảm sử dụng túi ni lông, tiết kiệm điện, tăng cường sử dụng nước sạch... Một số trường còn tổ chức Ngày hội giáo dục bảo vệ môi trường, Ngày hội tái chế chất thải, Ngày hội trang trí lớp học và làm đồ dùng dạy học từ các vật liệu thân thiện...

Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm học 2019 - 2020, đã có gần 1.200 trường tiểu học và mầm non tại 18 quận huyện TP. Hồ Chí Minh và 19 quận huyện TP. Hà Nội, gần 3.000 giáo viên và 800.000 học sinh tại hai thành phố tham gia Chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp giấy. Chương trình đã thu gom 269 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế.

Các em học sinh đã trở thành nhân tố tích cực tham gia các phong trào nói không với rác thải nhựa; phân loại rác thải tại nguồn… Đơn cử như việc gom rác tái chế đổi quà tặng đã trở thành hoạt động ngoại khóa quen thuộc của học sinh Trường THCS Thực nghiệm (quận Ba Đình, Hà Nội). Ngoài ra, hướng đến môi trường xanh - sạch - đẹp, các học sinh nơi đây đã kết hợp với nhà trường thực hiện thành công Chiến dịch “21 ngày sống xanh”, hoạt động này đã giảm thiểu phần nào rác thải nhựa thay vì xả thẳng ra môi trường.

Những thông điệp Bảo vệ môi trường (ảnh chụp trước thời gian giãn cách do Covid-19). Ảnh: MH

Các em học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng hưởng ứng nhiệt tình Chương trình “Trường học tiên phong giảm thiểu và phân loại rác thải năm 2020”. Các em học sinh cùng với thầy cô đã chuẩn bị mỗi lớp học đặt 2 thùng rác: 1 thùng là rác tái chế, 1 thùng là rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các em còn tự tay chuẩn bị 2 thùng rác từ chính các vật dụng tái chế vừa tiết kiệm lại vừa bảo vệ môi trường nhưng vô cùng đẹp, độc đáo, lạ mắt và hữu dụng.

Với phương châm “Nói không với rác thải nhựa”, từ năm học 2019 - 2020, Trường THCS Nam Cao (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh”. Hàng ngày tại trường học, gia đình, khu dân cư và định kỳ tại địa điểm công cộng, các em học sinh được khuyến khích phân loại rác ngay từ sinh hoạt trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, sau đó thu gom lại những rác thải rắn có thể tái sử dụng và đem đến bỏ vào “Ngôi nhà xanh” tại trường.

Những phong trào bảo vệ môi trường đang lan rộng khắp cả nước, tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Ma Rơn, Gia Lai), 2 năm vừa qua, các em học sinh đã xây dựng “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” xinh xắn nằm trong khuôn viên trường. Ngôi nhà được trang trí đẹp mắt với các khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu như: “Vì một Việt Nam xanh”, “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”… Ngôi nhà chia làm 3 ngăn, phía trước mỗi ngăn có khe hở với dòng chữ hướng dẫn: vỏ lon, giấy vụn, chai nhựa để học sinh dễ dàng phân loại rác thải. Rác thải thu được sẽ được bán để gây quỹ thực hiện phong trào và các hoạt động Đội. Trước đây, các học sinh của trường thu gom rác thải đổ xuống hố rác rồi đốt bỏ; từ khi có “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, các học sinh được thầy cô hướng dẫn cách phân loại rác thải để bảo vệ môi trường kết hợp gây quỹ. Ngoài thu gom rác thải tại trường, các học sinh thu gom rác thải tại nơi ở về ngôi nhà chung.

Không dừng lại ở các phong trào thu gom, phân loại rác, nhiều trường còn khuyến khích học sinh nghiên cứu tìm ra các giải pháp bảo vệ môi trường. Điển hình như Trường THPT Nguyễn Khuyến với Nhóm chiến binh y tế xanh đoạt giải Nhì cuộc thi “Sông sạch - Biển xanh” với sáng kiến “Vật liệu nanobicelluse kháng khuẩn thay thế ni lông”; Dự án “Chế tạo vật liệu thông minh Nano BioCellulose - Chitosan - Cốt nghệ tươi - Nano bạc từ nguyên liệu thân thiện với môi trường làm màng bọc bảo quản thực phẩm thay thế túi ni lông” của 2 học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đoạt giải Nhì cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020…

Đánh giá về vai trò của giáo dục với những đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường, nhiều chuyên gia cho rằng, những nội dung giáo dục bảo vệ môi trường đã và đang thực hiện là phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Phần lớn học sinh đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cất đồ dùng học tập đúng nơi quy định; biết chăm sóc cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; biết bỏ rác đúng nơi quy định hay nhắc nhở người thân việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng tới đối tượng là các em học sinh. “Tôi đánh giá cao việc dạy các em từ nhỏ về kiến thức cũng như thực hành về bảo vệ môi trường. Thực tế học sinh Việt Nam ngày càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc này, điều đó được chứng minh thông qua các cuộc thi viết, vẽ, chụp ảnh... có chủ đề về môi trường” - ông Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giáo dục với công tác bảo vệ môi trường: Thay đổi hành vi ứng xử với môi trường từ những hoạt động nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO