Xã hội

Ngành giáo dục khẩn trương khắc phục hậu quả bão và hoàn lưu bão số 3

Lan Chi 16/09/2024 - 15:08

(TN&MT) - Cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, trong đó ngành Giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả, đánh giá thiệt hại đối với ngành Giáo dục và đề xuất một số giải pháp khắc phục hậu quả, sớm ổn định hoạt động giáo dục tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3.

truong-hoc-khac-phuc-hau-qua-sau-bao.jpg
Trường học nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão số 3

Cụ thể, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều Công điện, công văn và Quyết định về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng tham gia các đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.

Trong hai ngày 14-15/9, Bộ GDĐT đã tổ chức 3 đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và tặng quà từ nguồn vận động tài trợ cho các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 23h ngày 14/9, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.

Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng. Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Hiện các địa phương đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học. Theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập nước sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa.

Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được. Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái, có gần 20 nghìn học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa, và kinh phí cần có để mua sách giáo khoa ước tính trên 9 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào thứ Hai ngày 16/9.

Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).

Để khắc phục hậu quả, ngành giáo dục đưa ra các giải pháp như: Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên; cung ứng sách giáo khoa và thiết bị dạy học; sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học; kế hoạch dạy bù; hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, trẻ em.

Liên quan đến công tác vận động hỗ trợ, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành Giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học. Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giáo dục khẩn trương khắc phục hậu quả bão và hoàn lưu bão số 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO