Nêu bật những kết quả, hạn chế của Nghị quyết số 02
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02, ngành địa chất, khoáng sản cũng như công nghiệp khai khoáng đã đạt được những kết quả đáng kể, bên cạnh đó, còn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được Nghị quyết số 10 nêu rõ.
Cụ thể, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tài nguyên khoáng sản được nâng lên. Công tác điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản đã điều tra, thăm dò, làm rõ tiềm năng, trữ lượng của nhiều loại khoáng sản quan trọng như titan, bauxit, than, đá vôi nguyên liệu xi măng... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản hoàn thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu khoáng cho nền kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), an toàn lao động, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những hạn chế, yếu kém, đó là: Nhận thức về vai trò, vị trí của ngành địa chất chưa đầy đủ, chưa tương xứng với những đóng góp của ngành. Một số chỉ tiêu như lập bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 diện tích đất liền; đóng góp GDP của ngành khai khoáng không đạt mục tiêu Nghị quyết số 02 đặt ra; kinh phí thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạt khoảng 50%. Thông tin, dữ liệu địa chất chưa được quản lý thống nhất, còn phân tán, sử dụng chưa có hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Đồng thời, nguồn thu từ khoáng sản chưa được quan tâm đầu tư trở lại để phát triển kết cấu hạ tầng, BVMT, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương nơi khoáng sản được khai thác; chưa chú trọng đầu tư, đổi mới mạnh mẽ công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa khoáng sản, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác…
Nghị quyết số 10 đã chỉ rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là do hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng, vị trí của ngành địa chất và công nghiệp khai khoáng chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản chưa tốt; ngân sách Nhà nước đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách thu hút nhân lực, chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương chưa phù hợp với đặc thù của ngành địa chất.
Hơn nữa, công nghiệp khai khoáng là ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế nhưng chưa được hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; thăm dò, khai thác khoáng sản là lĩnh vực đầu tư rủi ro, cần vốn lớn, nhất là khoáng sản kim loại, quý hiếm ẩn sâu, trong khi doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô trung bình và nhỏ, hạn chế về vốn.
Làm rõ nội dung “tài nguyên địa chất” trong Nghị quyết số 10
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02, Bộ Chính trị đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo, định hướng mới làm cơ sở chính trị quan trọng cho ngành địa chất, khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong Nghị quyết số 10.
Theo đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, địa chất là ngành khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất, phải đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, làm rõ tài nguyên địa chất, khoáng sản và điều kiện địa chất khác. Kết quả điều tra địa chất sử dụng trong nhiều ngành kinh tế như: điều tra địa chất đô thị, địa chất thủy văn - công trình phục vụ các ngành: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); điều tra tai biến địa chất phục vụ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) phục vụ các ngành: NN&PTNT, Khí tượng thủy văn,…; điều tra, đánh giá di sản địa chất phục vụ cho ngành du lịch; lập bản đồ trường trọng lực, từ trọng lực phục vụ an ninh - quốc phòng…
Để hài hòa lợi ích thu được từ khai thác khoáng sản giữa “Nhà nước - Người dân và Danh nghiệp”, Nghị quyết số 10 đã nêu rõ, nguồn ngân sách thu được từ khoáng sản cần được ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon.
Với vai trò trên, Nghị quyết số 10 đã đưa địa chất lên vị trí hàng đầu ngay trong tên của Nghị quyết - đây là điểm mới làm cơ sở chính trị định hướng phát triển ngành. Theo đó, lần đầu tiên nội dung “tài nguyên địa chất” được Nghị quyết số 10 làm rõ, gồm: tài nguyên khoáng sản, tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất, đồng thời nhấn mạnh tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển KT - XH của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ, được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, công tác điều tra cơ bản địa chất phải làm rõ các điều kiện địa chất khác như: tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo... để phục vụ các ngành kinh tế khác như đã nêu trên.
Nghị quyết số 10 tiếp tục khẳng định, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với BĐKH. Trên quan điểm đó, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng. Đồng thời, thông tin, dữ liệu địa chất phải được quản lý tập trung, thống nhất.
Đối với định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng, Nghị quyết số 10 đã đưa ra quan điểm quản lý khoáng sản, đó là: quản lý khoáng sản phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng xã hội, tôn trọng nguyên tắc của thị trường trong hoạt động địa chất, khoáng sản. Theo đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.