Môi trường

Ngành dệt may nỗ lực giảm phát thải

Vy Huyền 05/12/2023 - 10:29

(TN&MT) - Năm 2023, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may mặc, vải, xơ sợi, nguyên phụ liệu sẽ giảm từ 7 - 16% với năm 2022.

Ngoài thiếu đơn hàng và bị cạnh tranh bởi các nước, doanh nghiệp dệt may thêm áp lực về tiêu chuẩn xanh từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Theo VITAS, ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý. Là một trong những ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ sớm, các doanh nghiệp dệt may đang tiên phong thực hiện các giải pháp xanh hóa sản phẩm, xanh hóa nhà máy sản xuất. Trước mắt, EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR - Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025.

8b.jpg
Ngành dệt may tăng tỷ lệ sợi tái chế trong sản xuất

Theo ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, không chỉ thị trường EU mà tổng thể các thị trường khác, trong khoảng 3 năm trở lại đây, yêu cầu phát triển bền vững hay xanh hóa đã không còn mang tính tự nguyện, mà đã dần được định lượng trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu bằng các dòng thuế, phí. Đơn cử, nếu chiếu theo cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon, hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu sẽ gặp bất lợi do trong nước chưa có thị trường các-bon và giá các-bon. Mức phát thải cao hơn quy định sẽ bị tính theo giá các-bon tại châu Âu. Với mức giá bình quân 60 USD/tấn CO2 mà EU đang giao dịch, mỗi chiếc áo sơ mi xuất đi của Việt Nam sẽ cộng thêm khoảng 20 cent. Như vậy, riêng chi phí cho phát thải các-bon đã chiếm tới 30% - 40% chi phí gia công.

Dệt may nằm trong nhóm mặt hàng có nguy cơ áp dụng CBAM sau giai đoạn thí điểm. Bởi vậy, danh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng xanh hóa sản phẩm, đầu tư xanh hóa nhà máy để giảm lượng phát thải khí nhà kính trong sản phẩm của mình - ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và nhiều đơn hàng hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quyết liệt triển khai lộ trình xanh hóa trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Ðơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.

Chia sẻ hiệu quả sử dụng sợi tái chế, bà Nguyễn Phương Chi - Giám đốc Phát triển Chiến lược, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, đóng góp của sợi tái chế trong doanh thu công ty hiện đạt hơn 50% và giúp cắt giảm tương đương khoảng 30 triệu tấn CO2. Công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất với nhà máy mới theo hướng xanh, phát triển thêm các sản phẩm thân thiện môi trường, tiếp tục tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 80% vào năm 2027. Công ty cũng dự kiến tiếp tục triển khai các dự án năng lượng tái tạo giai đoạn 2024 - 2026, dự kiến giúp cắt giảm khoảng 2,9 triệu tấn CO2 trong suốt vòng đời dự án. Một số sáng kiến tiết kiệm cũng giúp góp phần cắt giảm khí nhà kính khác như tiết kiệm điện, tuần hoàn và tái sử dụng nước, tái sử dụng ống giấy...

Hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (chi tiết danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/1/2022). Ngay từ tháng 3/2025, doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp may, sợi, dệt nhuộm đạt được các chuẩn mực trong Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế. Dệt may đã đạt các chuẩn mực môi trường, môi trường làm việc của người lao động, tới đây tỷ trọng này ngày càng tăng sẽ thúc đẩy bước phát triển cho đầu tư.

Vấn đề kỹ thuật sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xanh hóa của ngành dệt may, không chỉ trong năng lượng tái tạo mà còn là xử lý nước thải. Thực tế trong nhiều năm qua, VITAS khuyến nghị tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm, hiện chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào vì lo ngại ô nhiễm môi trường...

Chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội... Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng tới các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành dệt may nỗ lực giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO