Ngân sách đầu tư KH&CN: Nhiều địa phương chi sai mục đích

20/10/2015 00:00

 (TN&MT) - Hiện, kinh phí đầu tư phát triển KH&CN Trung ương cân đối cho địa phương trong 5 năm qua chỉ được sử dụng đúng mục đích, đối tượng khoảng 63%, còn 37% không được sử dụng đúng mục đích. Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo “Tình hình phân bổ và sử dụng ngân sách KH&CN giai đoạn 2011 - 2015” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam  vừa tổ chức.

Đã chi “mạnh tay” hơn cho nghiên cứu khoa học

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách Nhà nước cho KH&CN liên tục được hoàn thiện, đồng bộ, bao gồm các cơ chế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ chế quản lý nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước cho KH&CN.

Việc ban hành các văn bản về dự toán, phân bổ, quản lý và thanh quyết toán ngân sách Nhà nước cho KH&CN giai đoạn 2011 - 2015 đã giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong cơ chế tài chính hiện hành đối với hoạt động KH&CN.

Đã có 63 tỉnh thành, địa phương được cấp vốn đầu ĐTPT KH-CN
Đã có 63 tỉnh thành, địa phương được cấp vốn đầu ĐTPT KH-CN

"Trong giai đoạn 2011 - 2015 bố trí ngân sách Nhà nước cho hoạt động KH&CN tính cả chi KH&CN trong an ninh, quốc phòng đã cơ bản đảm bảo được mục tiêu, đạt mức 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (tương đương 0,5% - 0,6%GDP). Kinh phí đầu tư phát triển phân bổ cho cơ quan Trung ương chiếm 49%, địa phương chiếm 51%. Kinh phí sự nghiệp KH&CN phân bổ cho các cơ quan Trung ương chiếm 75% và địa phương chiếm 25%. Hiện nay, ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65% - 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN", Thứ trưởng Khánh cho biết.

Đánh giá về tình hình phân bổ và sử dụng ngân sách KH&CN thông qua sơ kết thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 như về giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị, mức tăng số lượng công bố quốc tế, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam... các nhà khoa học đều đồng tình về các chỉ tiêu trên liên tục được cải thiện, đáp ứng được mục tiêu đề ra, có những chỉ số liên tục tăng qua các năm.

Đã có tới 23 địa phương được cấp vốn vượt nhu cầu chiếm 2.383 tỷ đồng (72,5% tổng vốn ĐTPT KH-CN Quốc hội giao) bao gồm: Hải Dương (6,4 lần), Hưng Yên (7,5 lần), Bà Rịa - Vũng Tàu (8,7 lần)… Có 17 địa phương bố trí vốn ĐTPT dưới 40% và thậm chỉ dưới 20% so với nhu cầu như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Bạc Liêu… Đã có 63 tỉnh thành, địa phương được cấp vốn ĐTPT KH-CN với số tiền là 2.859,751 tỷ đồng (trong tổng số 3.300 tỷ đồng).

Cơ chế cấp chưa phù hợp, chi sai quá nhiều

Tuy đã được cấp ngân sách khá đều đặn và thông thoáng, nhiều địa phương còn được chi vượt mức song vấn đề quản lý nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học còn không ít bất cập. Nhiều địa phương đã sử dụng nguồn vốn trên sai mục đích, đối tượng, sử dụng để làm đường, xây bệnh viện, trường học…; chi cho hoạt động bộ máy đơn vị sự nghiệp; chi đối ứng dự án; chi cho hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin cho UBND tỉnh, tỉnh ủy; xử lý nước thải; xây dựng đường dây trung thế ngầm, trạm biến áp.

Theo TS. Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), hiện kinh phí đầu tư phát triển KH&CN Trung ương cân đối cho địa phương trong 5 năm qua chỉ được sử dụng đúng mục đích, đối tượng khoảng 63%. Còn 37% không được sử dụng đúng mục đích mà sử dụng cho các hoạt động như làm đường giao thông; xây bệnh viện, mua trang thiết bị y tế, xây dựng trạm đăng kiểm giao thông, xây dựng đường nông thôn, khu xử lý chất thải rắn, bãi rác thải, nước thải y tế, mạng lưới quan trắc tài nguyên.

Một số nơi còn tự ý bố trí nguồn kinh này để sử dụng vào nhiệm vụ khác của địa phương (Hà Giang, Ninh Bình, Hà Nam… từ năm 2010 - 2012 gần như không sử dụng nguồn kinh phí này). "Nhiều địa phương dùng tiền KH&CN để đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin. Điển hình như Kiên Giang tái diễn kéo dài tình trạng dùng tiền KH&CN để đầu tư vào công nghệ thông tin. Mức ngân sách KH&CN của tỉnh này dùng để phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin tới 40%. Đà Nẵng cũng diễn ra tình trạng như Kiên Giang. Hay như Hà Nội còn dùng ngân sách KH&CN vào đầu tư làm đường vành đai 3, đường vào khu công nghệ Bắc Thăng Long", TS. Luật cho biết.

Tại Hội thảo, một bất cập nữa cũng được đặt ra đó là trong khi nhu cầu ở Trung ương rất lớn, cần đầu tư nhiều thì tỷ lệ chỉ là 49%. Địa phương, nơi có ít đề tài, dự án, công trình nghiên cứu, đầu tư chưa nhiều, kinh phí lại chiếm tới 51%.Ở Trung ương, đội ngũ làm KH&CN chuyên là 48 nghìn người, còn của địa phương chỉ là 12 nghìn người. TS. Hồ Ngọc Luật cho đây là sự chênh lệch khá lớn. Ông nói: "Chỗ ít người lại được đầu tư trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu nhiều. Còn Trung ương nhiều người, cần đầu tư lại được đầu tư rất ít".TS. Hồ Ngọc Luật cho rằng: "Nếu chia xuất đầu tư ra bằng tiền, ở Trung ương, bình quân mỗi cán bộ trong 5 năm được đầu tư 320 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, còn ở địa phương là 1 tỷ 290 triệu đồng".

Thực trạng trên cho thấy, việc quản lý Nhà nước với nguồn kinh phí 2% từ NSNN chi cho lĩnh vực KH&CN còn nhiều tồn tại, bất cập, chi nhiều song triển khai không hiệu quả. Từ kết quả điều tra này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chính sách về tài chính lạc hậu và thực hiện ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển khoa học  và công nghệ phù hợp. Bộ KH&CN cũng đề xuất việc phối hợp với Bộ KH&ĐT trong Chiến lược KHCN Quốc gia, kiểm soát, giám sát các quy hoạch, chiến lược KHCN ngành và địa phương, tạo sự đồng bộ trong phân bổ kinh phí ĐTPT; thống nhất danh mục các dự án ĐTPT cho KH&CN, xây dựng kế hoạch hàng năm; đề nghị Bộ KH&ĐT trong quyết định giao vốn ĐTPT nguồn NSNN cho các đơn vị hàng năm có thêm mục ghi cụ thể: Kinh phí đầu tư phát triển dành cho KH&CN.

Minh Vũ 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân sách đầu tư KH&CN: Nhiều địa phương chi sai mục đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO