Ngân hàng ADB tăng cường hỗ trợ Việt Nam thực hiện JETP
Ngày 8/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cùng phái đoàn ADB. Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về việc hợp tác hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam trong 30 năm. Trong thời gian đó, phía ADB đã tích cực hỗ trợ Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Theo đó, tới làm việc tại Bộ TN&MT, ông Shantanu Chakraborty bày tỏ mong muốn thúc đẩy ký kết một thoả thuận hợp tác hoặc Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ TN&MT về tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, nhân chuyến thăm của Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa tới Việt Nam vào giữa tháng 3 tới. Theo ông Shantanu Chakraborty, thoả thuận này là cần thiết và sẽ làm nổi bật cam kết của ADB trong việc hỗ trợ quốc gia giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Giám đốc quốc gia của ADB ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Do đó, Ngân hàng muốn tăng cường hợp tác, thực hiện các dự án cụ thể với Việt Nam, hướng tới đạt được kết quả thực chất trong vòng 12-18 tháng tới.
Với tư cách là Ngân hàng khí hậu châu Á, ADB đã đề nghị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ các nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một khoản hỗ trợ dự kiến 2,1 tỷ USD.
Cũng trong buổi trao đổi, Ngân hàng cũng đề xuất nhiều hoạt động liên quan tới lĩnh vực chống biến đổi khí hậu trong khu vực và tại Việt Nam. Trong đó, ADB mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” (net zero) vào năm 2050, hỗ trợ Việt Nam trong khoảng 3-10 dự án triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Hiện tại, ADB và Tập đoàn Điện lượng Việt Nam (EVN) đang thảo luận về dự án lưu trữ pin năng lượng (BESS), kỳ vọng có thể thực hiện trong năm 2024. Theo chia sẻ của phía ngân hàng, BESS là một dự án tương đối nhỏ, với chi phí khoảng 30 triệu USD, nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng, thiết lập nền tảng để thực hiện các dự án năng lượng tiếp theo.
Để hỗ trợ tối đa, ADB cho biết trong tổng số vốn 30 triệu USD cần thiết cho dự án, Ngân hàng có thể huy động khoảng 3-5 triệu USD là nguồn tài trợ không hoàn lại. Ngân hàng kỳ vọng những dự án như BESS sẽ trở thành chất xúc tác giúp thu hút thêm nhà đầu tư vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Cũng trong buổi làm việc, ông Shantanu Chakraborty đề nghị mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề mới, bao gồm lĩnh vực ammoniac và hydro. Để mở rộng, nâng cao nhận thức, năng lực của các bên liên quan về vấn đề ammoniac và hydro, ADB đang xây dựng các hoạt động và sự kiện, bao gồm hội thảo và chuyến tham quan thực tế tới Hàn Quốc, có sự tham gia của các cán bộ Việt Nam.
Ghi nhận những chia sẻ từ phía Ngân hàng ADB, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác cả ngân hàng. Về việc ký kết một biên bản ghi nhớ trực tiếp giữa Bộ TN&MT và ADB, Thứ trưởng Lê Công Thành đã giao Vụ Hợp tác Quốc tế và Cục Biến đổi khí hậu phụ trách thảo luận.
Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án BESS giữa ADB và EVN. Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mong muốn này trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Thực hiện Cam kết COP26 do Thủ tướng Chính làm trưởng ban.
Về các dự án ETM, Bộ TN&MT ủng hộ sáng kiến của ADB và đồng tình quan điểm không loại bỏ điện than ngay mà có nghiên cứu khả thi để có lộ trình. Trong khi Chính phủ Việt Nam hiện đang tích cực thực hiện cam kết với quốc tế về vấn đề khí hậu và môi trường, Kế hoạch Điện VII cũng đã xác định mục tiêu chuyển đổi dần từ điện than sang năng lượng sạch hơn.
Bộ TN&MT kỳ vọng tiếp tục nhận được sự phối hợp từ phía ADB trong triển khai những dự án thí điểm. Thông qua những dự án thí điểm đó, Việt Nam sẽ rút ra các bài học kinh nghiệm để thúc đẩy JETP nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định 06/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó tập trung chi tiết hoá các quy định về tổ chức và phsat triển thị trường carbon. Trong lĩnh vực này, Thứ trưởng ghi nhận ADB đã rất nhiệt tình ủng hộ và đề nghị Ngân hàng tiếp tục quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon, hỗ trợ kết nối, liên kết thị trường carbon trong nước với quốc tế.