Nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Tây Bắc bộ
(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 24/4 là cao điểm nắng nóng tại khu vực Tây Bắc Bộ. Nhiệt độ có nơi sẽ lên ngưỡng nắng nóng đặc biệt gay gắt trên 39 độ C.
Số liệu quan trắc ngày 14/4 cho thấy, khu vực Tây Bắc bộ và vùng núi của Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38, có nơi trên 40 độ như: Sông Mã (Sơn La) 41 độ C, Mường Lay (Điện Biên) 40.0 độ, Tương Dương (Nghệ An) 40.3 độ C.
Đặc biệt, trạm Yên Châu (Sơn La) ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong ngày lên tới 42.2 độ C - mức nhiệt cao nhất của miền Bắc từ đầu năm đến nay và đây cũng trở thành ngày có nhiệt độ cao thứ 2 trong tháng 4 tại khu vực này, chỉ kém mức nhiệt lịch sử tháng 4/2023 (42,4 độ C).
Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn và từ ngày 16/4 khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%. Nắng nóng diện rộng ở Tây Bắc Bắc Bộ sẽ còn duy trì trong các ngày tiếp theo, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 18/4, nắng nóng lan sang khu vực Đông Bắc Bộ đến ngày 20/4, sau đó khu vực này sẽ có nắng nóng cục bộ.
Trong khi đó, các khu vực khác trên cả nước từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ đều đang có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-45%.
Thời gian nắng nóng trong ngày trong khoảng từ 11 – 17 giờ, riêng khu vực Tây Nguyên từ 12 – 16 giờ. Cơ quan khí tượng cảnh báo tỉnh trạng nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Thời gian qua, một số địa phương cũng đã xảy ra cháy rừng và nguy cơ cháy rừng hiện vẫn ở mức cao. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn chịu tác động từ xâm nhập mặn. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, với tình trạng các hồ thủy điện trên lưu vực sông Mê Công xả nước cầm chừng như hiện nay, nếu tiếp tục không có mưa, dự báo mặn còn cao trở lại vào kỳ 21 – 27/4 ở mức 45 - 60 km. Đặc biệt, chân mặn có thể cao và kéo dài đến cuối tháng 4 nên ít có thời gian gạn ngọt vùng ven biển.
Dự báo đến ngày 16/4, mặn có xu thế xuống thấp nhất rồi tăng trở lại. Ranh mặn 4g/l vào sâu 35 – 55km nên các địa phương ven biển ở Bến Tre, Tiền Giang cần giám sát mặn chặt chẽ, tranh thủ bổ sung nguồn nước ngay khi có thể để đề phòng tình trạng khó lấy nước kéo dài đến cuối tháng 4. Các khu vưc ven sông Hậu và Cổ Chiên thuộc Trà Vinh, Sóc Trăng có nhiều cơ hội lấy nước hơn ở giai đoạn cuối tháng 4.