Ngành TN&MT

Nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành TN&MT

Tường Tú - Hoài Thu (thực hiện) 31/12/2023 - 16:16

(TN&MT) - Nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành TN&MT là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng giải quyết yêu cầu đặt ra ngày càng cao trước thách thức quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, phát triển bền vững của đất nước.

336863731_593218032737775_4232303967832374263_n.jpg

Làm thế nào để nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành TN&MT? Trước thềm năm mới 2024, những người làm công tác giáo dục đào tạo lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã trải lòng về những trăn trở, băn khoăn, đề xuất giải pháp và kỳ vọng mới. Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

TS. Dương Thanh An - Hiệu trưởng Trường Đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ TN&MT

Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương

anh-3-copy.jpg
TS. Dương Thanh An - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT

Bên cạnh công tác đào tạo phục vụ quản lý nhà nước của các đơn vị trực thuộc Bộ, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT (INNET) còn có nhiệm vụ đào tạo hỗ trợ các sở, các đơn vị Nhà nước và phòng TN&MT thuộc các tỉnh, quận, huyện, thành phố,… tại địa phương. Có thể thấy, vai trò đào tạo của Trường trong công tác phối hợp, kết nối giữa Trung ương và địa phương là rất quan trọng.

Trên cơ sở phân công của Bộ, Trường đã chủ động gửi văn bản cho tất cả 63 Sở TN&MT trên cả nước, để có thể nắm bắt nhu cầu của các sở về bồi dưỡng, tập huấn, đặc biệt là những nội dung cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật mới, hoặc dự kiến ban hành trong năm 2024, ví dụ như Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai… hay trên một số lĩnh vực nóng, ưu tiên, nhất là đất đai và môi trường. Qua đó, Trường có thể phối hợp với các sở xây dựng kế hoạch, tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ các địa phương thực hiện nghiệp vụ bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ địa phương theo nhu cầu.

Xác định đào tạo phục vụ công tác quản lý Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi, Trường đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy công tác xã hội hóa trong đào tạo, kết nối với không chỉ các đơn vị nghiệp vụ Trung ương mà còn các đơn vị tại địa phương.

Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ, Trường đề ra nhiệm vụ ưu tiên chiến lược, phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ TN&MT triển khai kế hoạch đào tạo, chương trình bồi dưỡng bài bản, toàn diện cho cán bộ ngành, nhằm đẩy mạnh trình độ chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ toàn lĩnh vực thuộc ngành TN&MT.

Trong đó, Trường đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo để phù hợp với bối cảnh hiện tại và phân ra 2 nhóm đối tượng. Một là dành cho các đối tượng chung (hướng mở rộng); Hai là chương trình dành cho các đối tượng chuyên ngành, theo 9 lĩnh vực của Bộ TN&MT quản lý.

Đặc biệt, liên quan đến chuyên ngành luôn cần phải xây dựng các giáo trình hay tài liệu bám theo quy định, yêu cầu về nội dung của chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ; đồng thời, bám theo các quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực đào tạo và các quy định của Đảng hay những Luật cụ thể trong lĩnh vực. Ví dụ, về lĩnh vực Khí tượng Thủy văn, Trường xây dựng các đề án dựa trên chỉ thị của Bộ Chính trị, Luật Khí tượng Thủy văn mới được ban hành,… Như vậy, nội dung đào tạo của Trường đối với cấp chuyên viên sẽ có những bài giảng sâu về kỹ thuật; và đối với cấp quản lý sẽ là những tài liệu, giáo trình bao quát hơn trong công tác quản lý, phục vụ ngành.

Tuy nhiên, công tác phối hợp từ Trung ương đến địa phương hiện nay vẫn còn gặp một số hạn chế nhất định. Theo quy định của Nghị định 89, nội dung bồi dưỡng cần phải bảo đảm sự cân bằng, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Song, nội dung về thực hành vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách hoàn chỉnh. Do các yếu tố, nguyên nhân khách quan, chủ quan và phụ thuộc vào nguồn lực, ngân sách, kinh phí, nhất là cách nhìn nhận chương trình đào tạo và thực hành trên thực tế của học viên tại địa phương tác động ít nhiều đến cách học viên học tập, áp dụng thực tế.

Vì vậy, trong thời gian tới, trong các khóa tập huấn, hay các lớp đào tạo bồi dưỡng, Trường sẽ tăng cường, đổi mới công tác đào tạo theo phương châm gắn lý thuyết với thực hành để đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của đội ngũ học viên. Do đó, đội ngũ giảng viên, cán bộ của Nhà trường cần phải xây dựng, cải tiến chương trình, nội dung cũng như biên soạn lại giáo trình, phương pháp truyền tải phong phú, phù hợp, hấp dẫn và thiết thực hơn, để làm sao cho các đối tượng học viên thấy được chất lượng cũng như tính hiệu quả khi áp dụng kết quả học tập này vào thực tiễn.

PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội

Đào tạo “nguồn nhân lực tương lai” ngay từ lựa chọn đầu vào

anh-1.jpg
PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội

Trường Đại học TN&MT vinh dự là đơn vị đầu tiên tiếp nhận và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TN&MT. Xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển, Nhà trường đã xây dựng chiến lược đào tạo quy mô, tạo nền móng ngay từ điểm khởi đầu trên quan điểm thực học và học thực. Cùng với đó, có cơ chế tuyển sinh phù hợp thu hút nguồn nhân lực tương lai, làm tốt khâu đầu vào.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Nhà trường đã tuyển được gần 3.500 sinh viên trên tổng số 100.000 lượt thí sinh đăng ký vào trường với số điểm chuẩn thuộc nhóm cao, điểm chuẩn của nhiều ngành trong trường đã vươn lên tốp các trường dẫn đầu cả nước trong bối cảnh nhiều trường tuyển thiếu hoặc không có nguồn tuyển. Trong đó, 16/23 ngành có điểm chuẩn từ 22 điểm trở lên, ngành có điểm chuẩn cao nhất là 27,5 điểm, bao gồm những ngành khó tuyển sinh như: Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, quản lý tài nguyên nước, kỹ thuật địa chất,… Đổi mới chương trình giáo dục với nhiều kết quả khả quan đã được chứng minh bằng sự khởi sắc của các kỳ tuyển sinh đại học mà công tác tuyển sinh năm học 2023 - 2024 là một ví dụ.

Đến nay, với bề dày 68 năm lịch sử (1955 - 2023) và kinh nghiệm giảng dạy được tích lũy, Trường đã trở thành địa chỉ tin cậy thu hút “nguồn lực đầu vào” thông qua các hình thức đào tạo khác. Với 14 khóa sơ cấp, 45 khóa trung cấp, 15 khóa cao đẳng, 24 khóa chuyên tu đại học, 10 khóa đại học liên thông, 13 khóa đại học chính quy và 9 khóa thạc sĩ,… Trường đã đào tạo được hơn 50.000 học viên tương đương các trình độ từ Trung sơ đến Thạc sĩ, cung cấp nguồn lực phục vụ trong các lĩnh vực của ngành.

Để thực hiện được các chương trình giáo dục quy mô, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đầu vào có chất lượng cho đầu ra, Nhà trường đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, tăng cường và nâng cao chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Trường khoảng 500 người, trong đó, hơn 160 giảng viên có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 50 giảng viên đang thực hiện Nghiên cứu sinh và hơn 280 giảng viên có trình độ Thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên của trường ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Hiện Trường đang tổ chức đào tạo 23 ngành học với quy mô gần 15.000 sinh viên, học viên trong toàn trường.

Thực hiện mục tiêu đưa Trường trở thành trường đại học trọng điểm Quốc gia trong lĩnh vực TN&MT, tiệm cận với các cơ sở đào tạo đại học uy tín trong khu vực, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã xây dựng Chiến lược phát triển trường đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035,…

Ngoài ra, để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cao ngành TN&MT, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của trường được chú trọng, trong năm 2023 đã ghi nhận 47 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được hoàn thành, trong đó có 6 đề tài cấp Bộ, 41 đề tài cấp cơ sở cùng nhiều ấn phẩm, công trình khoa học của các nhà khoa học trong trường được đăng tải trên các tạp chí khoa học, hội thảo trong nước và quốc tế; tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế trong năm theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Từ những kết quả đạt được, tháng 6/2023, Trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 2; Tháng 12/2023, trường được trao chứng nhận đạt chuẩn 4 sao theo định hướng ứng dụng của Viện đổi mới sáng tạo UPM.

Điều đó chứng minh nỗ lực của thầy và trò trường Đại học TN&MT Hà Nội trong việc nâng cao, đổi mới, phát triển không ngừng các chương trình giáo dục, học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn đáp ứng với xu thế đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước nói chung và cho ngành TN&MT nói riêng.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH

Phát triển đội ngũ nhân lực ngành
thông qua thực hiện nghiên cứu
khoa học

anh-2-1-.jpg
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH

Đánh giá chung về thực trạng nguồn nhân lực của ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang còn thiếu, đặc biệt là lực lượng nguồn, kế cận. Đơn cử như số lượng các nhà khoa học, chuyên gia hiện nay tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đang có là 8 Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS); 33 Tiến sĩ (TS); Tổng cục KTTV mới chỉ có 3 PGS; 28 TS,… Do đó, để phát triển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bước đầu cần phải bổ sung đủ số lượng đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học cốt cán. Do đó, bài toán đặt ra ở đây là làm thế nào có thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi số lượng các GS, PGS, TS chưa đủ để thực hiện công tác đào tạo.

Đơn cử như việc đào tạo tại Viện, quy định đã nêu rõ: Một bộ môn hoặc đủ để đào tạo một ngành cần phải có giảng viên cơ hữu, gồm 2 PGS và 3 TS (hoặc 2 PGS và 1 GS). Sắp tới, Viện có 1 GS nghỉ hưu, vì vậy nguồn nhân lực sẽ bị ảnh hưởng lớn, nguy cơ Viện sẽ phải đóng lại một ngành do không có giảng viên đào tạo. Sau khi đóng mã ngành một bộ môn thì sẽ rất khó để mở lại (ví dụ như ngành Hải dương học với số lượng người học ít). Thời điểm hiện tại, Viện chỉ có 4 mã ngành học và để duy trì được 4 mã ngành này thì số lượng giảng viên phải đủ. Vì vậy, Viện cần bổ sung thêm 2 PGS nữa mới có thể duy trì chương trình đào tạo và giảng dạy.

Vì lý do đó, Viện đang tăng cường phối hợp với các cơ sở, đơn vị, trường Đại học,… để mời các GS, PGS về đào tạo cho các TS, nghiên cứu sinh (NCS). Qua đó, Viện tận dụng mời giảng viên đã đến tuổi nghỉ dạy tại các trường hoặc các GS, PGS,.. hay tại các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT liên quan đến các mã ngành học của TS, NCS để thực hiện giảng dạy tại các khóa đào tạo. Đồng thời, Viện cũng đề xuất các TS trong Viện và ở ngoài Viện như trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện Hàn Lâm,… có thể phối hợp để đào tạo chương trình NCS tại Viện.

Tuy nhiên, đây chỉ là những phương án tình thế giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực mà chưa có những giải pháp tổng thể. Vì vậy, ngoài việc tăng cường phối hợp với các đơn vị như các Viện, các Trường hay Trung tâm nghiên cứu, Viện đang triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng tăng cường hợp tác với các đơn vị nghiên cứu nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản,… như vậy, các NCS có thể thực hành theo phương pháp sử dụng một nửa thời gian làm việc, học tập, nghiên cứu tại Việt Nam và một nửa thời gian sang bên các nước để du học.

Bên cạnh đó, để xây dựng định hướng, kế hoạch năm 2024 - 2027 (kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Khoa học KTTV&BĐKH), Viện đang bắt đầu triển khai xây dựng các chiến lược cụ thể để hoàn thiện công tác chỉ đạo về chuyên môn, nâng cao trình độ và có cơ chế khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cũng như có những đề tài nghiên cứu đạt thành tựu quan trọng. Điều này nhằm khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học và những bài báo quốc tế áp dụng được vào thực tiễn, có tính ứng dụng cao,…

Thông qua nhiều dự án nghiên cứu, đề tài khoa học công nghệ Viện đã và đang thực hiện trên các tỉnh, đội ngũ và nhân lực ngành KTTV nâng cao được chuyên môn nghiệp vụ một cách rõ rệt. Thể hiện qua các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng và phục vụ đời sống nhân dân, đời sống xã hội tại các tỉnh như: Quảng Ninh với đề tài cấp tỉnh Quy hoạch vùng cây trồng dược liệu; Tuyên Quang với dự án xây dựng bản đồ Atlas địa lý; Hòa Bình với đề tài cấp huyện - Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét sạt lở ở vùng đất; Hải Phòng và Ninh Bình có các đề tài: Cấp báo động lũ, xây dựng các hoạt động dự báo lũ cho địa phương,…

PGS.TS. Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM

Đảm bảo công tác nghiên cứu khoa học
gắn “học đi đôi với hành”

pgs.ts.-huynh-quyen.jpg
PGS.TS. Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học gắn “học đi đôi với hành” giai đoạn 2020 - 2022, trong năm 2023, Trường Đại học TN&MT TP.HCM (HCMUNRE) tiếp tục giặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhật, bổ sung thêm thành tựu của Nhà trường.

Theo đó, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã được tổ chức xếp hạng các tổ chức giáo dục đại học tại Việt Nam (VNUR) - xếp vị trí thứ 64 trong Top 100 Trường Đại học mạnh tại Việt Nam. Trường Đại học TN&MT TP.HCM cũng đã công bố hơn 250 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó, có hơn 40 bài báo quốc tế uy tín (ISI/SCOPUS). Đến 2023, số công bố bài báo khoa học quốc tế của Nhà trường đã vượt xa chỉ tiêu trong Chiến lược Phát triển của Nhà trường đến năm 2025.

Lần đầu tiên, Trường Đại học TN&MT TP.HCM được xuất hiện trên cơ sở dữ liệu của Nature Index với điểm “Share” là 0.67, được xếp hạng 7/43 cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam và được xuất hiện trong danh mục năm 2022 của Nature Index. Năm 2023, Trường đã thực hiện nhiều đề tài Nghiên cứu khoa học, như: Cấp bộ/cấp tỉnh 10 đề tài, cấp trường 14 đề tài và sinh viên 15 đề tài. Đến 2023, Trường đã thực hiện hơn 18 dự án/mô hình sản xuất thử và tư vấn, chuyển giao công nghệ.

Năm 2023, Nhà trường đã tổ thức thành công Hội thảo Khoa học lần thứ 6, với sự tham gia của hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, triển khai thực hiện thành công Ngày hội Việc làm và Triển lãm Doanh nghiệp thuộc ngành TN&MT lần thứ 3, với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên và hơn 15 doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực TN&MT.

Trường Đại học TN&MT TP.HCM còn tổ chức thành công nhiều Hội thảo Khoa học khác, tiêu biểu như: Hội thảo Định hướng Nghiên cứu Khoa học hướng đến Net-Zero năm 2050, với sự tham gia của gần 200 thành viên và hơn 20 doanh nghiệp. Đồng thời, Trường đã ký kết 9 Biên bản ghi nhớ (MOU) với các đối tác là các trường đại học lớn trong và ngoài nước, như: Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Curtin University… và ký kết MOU với các tập đoàn/doanh nghiệp, như: Tập đoàn Arup của Anh, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân...

Để đảm bảo công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục gắn “học đi đôi với hành”, xác định xây dựng và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược Phát triển của Trường Đại học TN&MT TP.HCM, năm 2024 - 2025, Trường tiếp tục tập trung xây dựng các giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, như: Phòng Thí nghiệm, Thiết bị nghiên cứu… và triển khai các nghiên cứu thông qua các hoạt động của các đề tài/dự án về hợp tác trong và ngoài nước.

Nhà trường cũng sẽ xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo cơ chế đặt hàng từ các doanh nghiệp; xây dựng và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng; thành lập câu lạc bộ sáng tạo trẻ dành cho cán bộ trẻ, học viên và sinh viên của Nhà trường tham gia nhằm phát triển các ý tưởng sáng tạo về nghiên cứu khoa học; thành lập câu lạc bộ phụ trách đào tạo các kỹ năng về nghiên cứu khoa học, tư duy và khởi nghiệp khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học của sinh viên và ươm mầm các ý tưởng hay.

Tường Tú - Hoài Thu (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO