Nâng cấp độ cảnh báo, tuyệt đối không chủ quan

Tuyết Chinh| 18/10/2020 12:08

(TN&MT) - Đánh giá về nguy cơ thiên tai những ngày tới, ông Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho rằng, mức độ rủi ro thiên tai trên lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và Kiến Giang đạt cảnh báo lên cấp độ 4. Các bộ ngành chức năng đều phải vào cuộc và có phương án ứng phó phù hợp với tình hình.

Sáng nay 18/10, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp về ứng phó với lũ khẩn cấp khu vực miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp

Miền Trung sẽ còn mưa lớn nhiều ngày

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết đến 7h ngày 18/10, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình), đã lên đến 3,91 m, xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1979. Chiều nay, mực lũ trên sông này có khả năng vượt lũ lịch sử khi tiếp tục lên cao 0,3-0,4 m.

Ông Khiêm nhận định, trong ngày 18-19/10, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh tiếp diễn mưa lớn với lượng phổ biến 400-600 mm. Do mưa bắt đầu dịch dần về phía bắc, khu vực từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến Quảng Nam sẽ giảm mưa.

Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều huyện miền núi thuộc các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, ngập lụt diện rộng khả năng cao xảy ra ở vùng trũng, đô thị.

Kết thúc đợt mưa ngày 21/10, ông Khiêm cho biết, một cơn áp thấp nhiệt đới từ phía đông Philippines khả năng tiến vào Biển Đông và hình thành bão. Trước mắt, cơ quan khí tượng nhận định hình thái này tác động đến các tỉnh Trung Bộ, tiếp tục gây mưa lớn dài ngày từ 22/10 đến 26/10.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Đánh giá về nguy cơ thiên tai những ngày tới, Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho rằng, mức độ rủi ro thiên tai trên lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và Kiến Giang đạt cảnh báo lên cấp độ 4.

"Lượng mưa trong thời gian ngắn 3-6 giờ rất quan trọng, quyết định đỉnh lũ trên các sông nên người dân cần lưu ý các cảnh báo về mưa lớn tiếp diễn", ông Nhật nói và lưu ý, khi cấp độ rủi ro nâng lên cấp 4, các bộ ngành chức năng đều phải vào cuộc và có phương án ứng phó phù hợp với tình hình. Đây là mức độ cảnh báo rất nguy hiểm, chỉ dưới cấp cảnh báo cao nhất là cấp 5.

Truyền thông đúng và trúng

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến cho biết, trực ban chỉ đạo đã có một đêm căng thẳng khi cập nhật thông tin từng giờ từng phút, phải giữ liên lạc trực tuyến với khu vực Quảng Trị trong cả đêm. Công tác ứng phó, trực ban phải nâng cao cấp độ khi đứng trước diễn biến căng thẳng của mưa lũ.

Theo ông Tiến, tin nhắn cảnh báo về lũ lên cao đã được gửi đến hơn 5,5 triệu người dân miền Trung từ chiều 17/10. Dù vậy, nhiều người dân vẫn chủ quan khi không thực hiện theo các phương án ứng phó với mưa lũ đã được khuyến cáo.

Dù vậy, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp quyết liệt để sơ tán người dân. Ông Tiến đánh giá sự vào cuộc quyết liệt từ dự báo, chỉ đạo, điều hành cho đến các địa phương tích cực chỉ đạo theo các phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Đặc biệt, lực lượng xung kích, vũ trang, quân đội, biên phòng, công an đã hết sức hỗ trợ các phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

“Tình hình mưa lũ ở miền Trung đã kéo dài 2 tuần nay, giao thông rất nguy hiểm vì đất đá ở 2 bên đường đã ngấm nước và có thể sụt bất kỳ lúc nào. Do đó, người dân, phương tiện di chuyển qua các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và khu vực đồi núi cần lưu ý”, ông Ngô Văn Hùng, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nêu ý kiến.

Thời gian tới, ông Tiến đề nghị, định hướng truyền thông cần tập trung vào vấn đề cứu hộ, cứu nạn; nêu những điểm sáng trong cứu hộ, cứu nạn; hướng dẫn kỹ năng cho người dân trong việc ứng phó với mưa lũ, ngập lụt; thông tin chỉ đạo của chính quyền địa phương, nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt để rút kinh nghiệm.

Thời tiết tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp; trong tuần tới sẽ có gió mùa và lại có vùng áp thấp hình thành khả năng mạnh thêm; đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Công điện số 1372 của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2020 tập trung ứng phó mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Công điện số 27 ngày 17/10/2020 của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Trong đó, tiếp tục triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân vùng mưa lũ; khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và phục hồi sản xuất.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là khu vực còn bị ngập sâu, kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

Chỉ đạo tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, đảm bảo an toàn công trình cho hạ du và dành dung tích để đón lũ tiếp theo, đảm bảo an toàn. Đặc biệt là đối với khu vực hồ chứa lưu vực sông Hương, sông Kiến Giang.

Ngoài ra Ban chỉ đạo có các tài liệu truyền thông tại trang web địa chỉ sau : http://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Truyen-thong-pctt.aspx

Mưa lớn còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong một số ngày tới, nguy cơ gia tăng lũ, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, cần khẩn trương thực hiện:
-Thường xuyên theo dõi thông tin về mưa, lũ. Giữ liên lạc và tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.
- Khẩn trương di dời ra khỏi khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
- Hạn chế di chuyển trong lũ; trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn.
- Không đi qua ngầm, tràn, cầu, cống hoặc các đường giao thông khi lũ đang tràn qua.
- Không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trong vùng ngập lũ, sạt lở đất.
- Ngắt toàn bộ các thiết bị điện, khóa van ga, kê cao các đồ vật cần bảo quản.
- Chuẩn bị và sử dụng áo phao hoặc các dụng cụ có thể làm vật nổi; Sạc pin điện thoại, pin dự phòng, đèn pin.
- Dự trữ, bảo vệ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh trong tình huống ngập lụt, chia cắt dài ngày.
- Đảm bảo an toàn, nhất là về điện; chủ động dọn dẹp, tiêu hủy xác súc vật, vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cấp độ cảnh báo, tuyệt đối không chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO