Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Thực hiện Quyết định số 983/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) giao Cục Báo chí tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin” cho các cơ quan báo chí.
“Trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến đời sống nói chung, trong đó có đời sống báo chí, do đó, báo chí cần thích ứng với vấn đề này. Việc đầu tiên các cơ quan báo chí cần quan tâm là nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin” - ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Hội thảo tập trung vào 2 chuyên đề chính do diễn giả là chuyên gia về an toàn thông tin trình bày. Chuyên đề thứ nhất gồm: Tổng quan về không gian mạng; xu hướng phát triển không gian mạng và nguy cơ mất an toàn thông tin; hành lang pháp lý về an toàn thông tin; các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin.
Chuyên đề thứ hai gồm: Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến về an toàn thông tin; kỹ năng tự bảo đảm an toàn thông tin cho cá nhân; demo thực tế để nâng cao nhận thức.
Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chia sẻ tại hội nghị |
Tại hội nghị, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: “Chúng ta đang tham gia không gian mạng 24/24, càng tham gia không gian mạng càng nhiều thì nguy cơ mất an toàn thông tin mạng càng nhiều”.
Theo ông Trần Đăng Khoa, không gian mạng có bốn xu hướng phát triển lớn. Xu hướng đầu tiên là mạng xã hội bởi đó là mạng tức thì. “Truyền thông xã hội cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp những phương thức mới để tiếp cận với các đối tượng, người sử dụng theo nhu cầu một cách rộng rãi, nhanh chóng và tiện lợi” – ông Trần Đăng Khoa nói.
Một xu hướng được ông Trần Đăng Khoa đề cập tiếp là thiết bị di động thay đổi phương thức làm việc, mua sắm và giao tiếp của người sử dụng sang tính chất mọi lúc, mọi nơi và tức thì.
“Phân tích dữ liệu cho phép các tổ chức, doanh nghiệp hiểu làm thế nào, khi nào và nơi mà người sử dụng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ một cách tương đối chính xác theo nhu cầu” – ông Trần Đăng khoa nhấn mạnh khi nhắc đến xu hướng thứ ba.
“Một xu hướng phát triển lớn nữa là điện toán đám mây cung cấp một cách thức mới để tiếp cận công nghệ và dữ liệu cho phép tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và giải quyết nhanh chóng các vấn đề kinh doanh” – ông Trần Đăng Khoa cho biết thêm.
Để đảm bảo an toàn thông tin, ông Trần Đăng Khoa cho rằng không nên chia sẻ quá nhiều các thông tin cá nhân của mình lên Internet, mạng xã hội, các hội nhóm, cửa hàng, đối tác…
Quang cảnh hội nghị |
Ông khuyến nghị: “Không bao giờ chia sẻ các mật khẩu của bạn với bất cứ ai. Cân nhắc khi có thư yêu cầu đổi mật khẩu, có điện thoại yêu cầu cung cấp mật khẩu,… hay đặc biệt là vợ của bạn”.
Theo ông Trần Đăng Khoa, chỉ nên sử dụng các thiết bị riêng để làm việc, tránh sử dụng các thiết bị khác (thiết bị giải trí, máy tính ở khách sạn…).
Ông cho rằng cần cẩn trọng khi bấm vào các liên kết, tải các file đính kèm, các website chưa rõ nguồn gốc, các email không rõ ràng…từ các website, các công cụ chat trên các mạng xã hội; không lưu trữ, truyền các dữ liệu quan trọng, nhạy cảm mà không mã hóa.
“Luôn sử dụng các chương trình Antivirus, anti-spyware…để bảo vệ máy tính, thiết bị di động. Và nhớ liên tục cập nhật các chương trình khi có bản vá mới được cung cấp” – ông Trần Đăng Khoa nói.
Ông đề xuất: Nên sử dụng các tính năng bảo mật được cung cấp sẵn trên các thiết bị, dịch vụ đang sử dụng; sao lưu các dữ liệu quan trọng theo nhiều cách khác nhau và lưu trữ tại nhiều nơi để tránh mất mát dữ liệu; cảnh giác và cẩn thận với những thứ đến quá dễ dàng, hấp dẫn…và may mắn; luôn nhớ có nhiều các đơn vị luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn khi bạn gặp sự cố về An toàn thông tin.