Báo cáo khái quát về tình hình triển khai chuỗi liên kết trong Petrovietnam, đại diện Ban Kinh tế Đầu tư cho biết, trong năm 2022, đánh giá chung các đơn vị của Tập đoàn đã nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi, đề xuất các ý tưởng hợp tác liên kết với mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tài sản sẵn có, năng lực cạnh tranh để phát triển.
Số lượng chuỗi liên kết được danh mục hóa tăng từ 20 chuỗi (vào tháng 9/2022) lên 33 chuỗi. Trong đó, 11 chuỗi đã hình thành và đang triển khai gồm 2 chuỗi sản xuất, 8 chuỗi dịch vụ và 1 chuỗi phát triển thị trường.
Trong 22 chuỗi đang nghiên cứu triển khai có 2 chuỗi sản xuất nhằm phát triển các sản phẩm theo hướng gia tăng chế biến sâu của PVFCCo, PVCFC. 20 chuỗi liên kết đầu tư đang được tập trung triển khai ở một số đơn vị của Tập đoàn, như PV GAS, BSR, PVOIL, PTSC, PVChem...
Theo kế hoạch triển khai chuỗi liên kết năm 2023, Petrovietnam sẽ tận dụng lợi thế cạnh tranh, kinh nghiệm của các đơn vị dầu khí, để sớm hình thành, đưa vào vận hành và phát triển các chuỗi liên kết đầu tư. Đặc biệt, phải coi chuỗi liên kết là một phần tất yếu và bắt buộc giúp các đơn vị, Petrovietnam phát triển trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.
Lãnh đạo Tập đoàn cùng đại diện các Ban chuyên môn đã tập trung trao đổi, thảo luận về tình hình triển khai các chuỗi liên kết trong từng lĩnh vực của Tập đoàn, đặc biệt nêu các ý kiến đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ hình thành liên kết chuỗi trong các đơn vị, hướng đến mục tiêu chung xây dựng và hình thành hệ sinh thái Petrovietnam phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho rằng việc triển khai các chuỗi liên kết trong Tập đoàn đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên tiến độ triển khai các chuỗi theo kế hoạch còn chậm, cần phải tăng tốc trong năm 2023. Với mục tiêu trong thời gian tới là nâng cao hệ thống quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ sinh thái Petrovietnam và chuỗi liên kết, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu Tập đoàn từ Công ty Mẹ tới các đơn vị thành viên cần phải tập trung nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Cùng với đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn Tập đoàn về văn hóa liên kết và trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân từ người đại diện của Tập đoàn tới từng người lao động trong việc phối hợp, tất cả vì mục tiêu chung của Tập đoàn, vì đảm bảo chất lượng cuộc sống của người lao động.
Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các Ban chuyên môn tiếp tục rà soát, cập nhật quy định, chính sách của Tập đoàn đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái Petrovietnam và tăng cường liên kết chuỗi, cập nhật quy chế Người đại diện. Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn để xây dựng, cập nhật danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực, chiến lược của Petrovietnam theo chuỗi liên kết, phân theo mảng và theo lĩnh vực: sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, căn cứ đánh giá về năng lực, thế mạnh của từng đơn vị trong Tập đoàn dựa trên nguồn lực đang có để dự báo, tính toán cho các chuỗi có thể triển khai trong thời gian tới, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuỗi khả thi như: chuỗi dịch vụ cho khối E&P...
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý chuyển đổi số là công cụ giúp hình thành chuỗi liên kết và kết nối chuỗi nhanh hơn, đồng bộ, thống nhất trong toàn Tập đoàn vì vậy Tập đoàn cũng như các đơn vị cũng phải tập trung "Tăng tốc chuyển đổi số". Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học để khai thác và vận hành các chuỗi liên kết trong hệ sinh thái Petrovietnam một cách đồng bộ, khoa học, hiệu quả.