Môi trường

Nâng cao đời sống người dân ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Bạch Thanh (thực hiện) 19/05/2023 - 14:30

Thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường sống của hệ động, thực vật tự nhiên ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) luôn được quan tâm chú trọng. Đặc biệt, để nâng cao giá trị kinh tế trên vùng đất đa dạng sinh học, nơi đây có nhiều mô hình hay góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn xung quanh nội dung này.

h1.(1).jpg
Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

PV: Ông có thể cho biết đôi nét về công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen trước tác động của biến đổi khí hậu?

Ông Trương Thanh Sơn:

Trong thời gian qua, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã cảm nhận và bị tác động rõ ràng từ biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi và cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử năm 2016, năm 2020, hay mưa trái mùa ở những năm qua xuất hiện nhiều hơn, nước lũ hàng năm về ít, ảnh hưởng đến các sinh cảnh và loài đang trú ngụ tại Khu bảo tồn. Có thể có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái nơi đây nhưng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là nặng nề nhất.

Từ tác động của biến đổi khí hậu, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái. Trong đó, tập trung tích trữ nguồn nước, phòng cháy chửa cháy rừng - đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sinh cảnh và các loài trú ngụ nơi đây. Thường xuyên quan trắc nguồn nước và đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ các loài thủy sản. Các biện pháp chủ yếu là bơm nước bên ngoài vào nhằm chống hạn hán và nâng cao mực nước, rải vôi, men vi sinh nâng cao độ pH.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các công trình cống hở, đê bao cho việc trao đổi nguồn nước và thủy sản. Trồng tràm và cây bản địa giúp cải thiện chất lượng môi trường không khí, góp phần ổn định vi khí hậu. Hàng năm nhân giống và trồng các loài cây bản địa như gáo, cà na, lộc vừng, bứa, tre gai với số lượng từ 2.000 – 5.000 cây. Đồng thời, thực hiện nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phục hồi các loài có nguy cơ suy giảm.

Trong đó, đã thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học gồm: phục hồi cánh đồng lúa hoang; đánh giá hiện trạng và đề ra biện pháp quản lý, phục hồi các loài thủy sản quý hiếm; cũng như phục hồi đàn và sản xuất giống chim Le nâu. Cùng với đó là thường xuyên chăm sóc, quản lý cánh đồng lúa hoang và cánh đồng sen là nơi cung cấp thức ăn và trú ngụ của nhiều loài chim nước, và khôi phục cánh đồng năng kim tạo nguồn thức ăn cho Sếu đầu đỏ.

h3.jpg
Cánh đồng sen nơi vùng đất đa dạng sinh học Láng Sen

PV: Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên vùng đất đa dạng sinh học Láng Sen, thời gian qua, nơi đây đã có những mô hình nào hay để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương?

Ông Trương Thanh Sơn:

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A, thuộc huyện Tân Hưng (Long An). Những hộ dân trên địa bàn này đa số có hoàn cảnh khó khăn, công việc chính là sản xuất nông nghiệp, làm thuê, khai thác nguồn lợi thủy sản, đánh bắt động vật hoang dã. Do vậy, người dân nơi đây thường xuyên xâm nhập trái phép vào Khu bảo tồn nhằm đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã, gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn.

Nhận thấy những điều trên, thời gian qua, Khu bảo tồn thường xuyên quan tâm và thực hiện các mô hình sinh kế nhằm phát triển kinh tế cho đời sống người dân vùng đệm, để từ đó có thể hạn chế việc người dân xâm nhập trái phép vào Khu bảo tồn khai thác tài nguyên. Điển hình là Ban quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp với Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF) tiếp tục hoạt động 9 nhóm cộng đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, điều tra đa dạng sinh học, thực hiện các mô hình sinh kế.

Trong đó có các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ như cá sặc rằn, các rô, cá lóc,… trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hay như phối hợp Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) thực hiện các mô hình sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm về trồng sen ngó, sen gương; trồng lúa mùa nổi; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật rút tơ sen nhằm phát triển kinh tế người dân vùng đệm.

Đồng thời, để phát huy giá trị nơi vùng đất sinh học Láng Sen, đối với khu vực vùng đệm nằm trong khu vực quy hoạch bảo tồn đất ngập nước, tỉnh Long An cũng đã chỉ đạo địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích và đời sống trong từng nông hộ, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

h2.jpg
Vùng đất đa dạng sinh học Láng Sen góp phần nâng cao đời sống người dân

PV: Còn đâu là những định hướng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, giúp nâng cao đời sống người dân trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trương Thanh Sơn:

Để bảo vệ và phát huy những kết quả đã đạt được, Ban quản lý Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có những định hướng cụ thể nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, giúp nâng cao đời sống người dân trong thời gian tới như: bảo vệ toàn vẹn diện tích Khu bảo tồn đã được phê duyệt và diện tích Khu Ramsar đã được công nhận; bảo vệ 6/9 tiêu chí của công ước Ramsar mà Khu bảo tồn đã đạt được, và tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ đa dạng sinh học nhằm phấn đấu đạt 3 tiêu chí còn lại.

Bên cạnh, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước bằng cách định hướng phát triển chương trình du lịch hợp lý, không ảnh hưởng đến các loài động thực vật, sinh cảnh, môi trường và hoạt động phòng cháy chữa cháy. Phối hợp với các đơn vị như liên quan và địa phương xử lý các vụ vi phạm đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học; nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tới mọi tầng lớp nhân dân địa phương để quản lý, bảo vệ toàn diện Khu Ramsar Láng Sen.

Đồng thời bảo vệ tính đa dạng sinh học, phục hồi thủy sản, cánh đồng năng kim, cánh đồng sen, cây bản địa hàng năm. Đánh giá trữ lượng rừng, phát triển rừng; phục hồi, chăm sóc các loài cây bản địa, và các sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện các đề tài phục hồi, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn cũng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về giá trị, tầm quan trọng của đất ngập nước, tạo cơ chế cho cộng đồng tham gia sử dụng bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học. Cùng với đó là phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án sinh kế cộng đồng vùng đệm nhằm phát triển kinh tế cho người dân địa phương, trong đó phát huy những sinh kế bền vững dựa trên tài nguyên đất ngập nước, góp phần nâng cao đời sống người dân nơi vùng đất đa dạng sinh học Láng Sen.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao đời sống người dân ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO