Cuộc họp Nhóm Quản lý Tiểu dự án (RSMT) thuộc Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) diễn ra từ 20-22/11/2017. Đây là hoạt động khuôn khổ hợp tác với WMO, Việt Nam tham gia vào SWFDP với tư cách là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực và Trung tâm KTTV quốc gia được Bộ giao là Đầu mối trong hoạt động trên.
Ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia phát biểu tại cuộc họp |
Nội dung Cuộc họp lần này dự kiến sẽ đánh giá quá trình thực hiện Dự án SWFDP đến nay và trao đổi về khả năng đưa Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực WMO sang pha tác nghiệp chính thức; xây dựng các hoạt động trong thời gian tới. Cuộc họp dự kiến đạt được kết quả là xác định được thời điểm để chuyển Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO sang pha tác nghiệp chính thức.
Ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia cho biết: SWFDP đã nhận được sự hỗ trợ từ các nước thành viên bằng cách chia sẻ các sản phẩm dự báo thời tiết số trị (NWP), bản tin cảnh báo cho các phạm vi ngắn và trung hạn liên quan đến mưa lớn và gió mạnh, ảnh hưởng đến Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và gần đây là Myanmar. Ngoài những nước tham gia vào Dự án, các Trung tâm dự báo KTTV khu vực của Việt Nam cũng có thể sử dụng các bản tin và NWP để nâng cao dự báo chính thức về thời tiết khắc nghiệt.
Ông Abdoulaye Harou - Trưởng phòng hệ thống dự báo và xử lý dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát biểu |
Nhiều báo cáo và cuộc kiểm tra của các nước thành viên WMO cho thấy khả năng cải tiến của dự án. “Trong vài năm tới, với hệ thống tính toán hiệu năng cao (HPC) mới và tốc độ Internet cao, kết hợp với các hoạt động đào tạo do WMO hỗ trợ, tất cả các sản phẩm chia sẻ từ RFSC-Hà Nội và đặc biệt là các bản tin cảnh báo có thể được cải thiện rõ ràng, từ đó, giúp nâng cao chất lượng dự báo thời tiết khắc nghiệt cho tất cả các thành viên của Dự án” - ông Trần Hồng Thái mong muốn.
Ông Abdoulaye Harou, Trưởng phòng hệ thống dự báo và xử lý dữ liệu của WMO cho biết: Kể từ khi khởi động Dự án SWFDP vì Đông Nam Á vào năm 2011, Trung tâm KTTV quốc gia Việt Nam đã đóng vai trò là một Trung tâm Khu vực để hỗ trợ các nước tham gia Dự án này tiến bộ trong việc thực hiện chương trình Hệ thống cảnh báo sớm đa nguy hiểm. Trung tâm, với sự đóng góp của các Trung tâm Sản xuất Toàn cầu, liên tục cung cấp hướng dẫn hữu ích đối phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt sắp đe dọa bốn quốc gia khác (Lào, Thái Lan, Philippines, Campuchia), giúp họ đưa ra dự báo thời tiết chính xác hơn, kịp thời và gửi cảnh báo cho người dùng của họ. Mức độ cam kết của Trung tâm được tất cả các bên liên quan đánh giá cao.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Theo ông Abdoulaye Harou, SWFDP đã được chứng minh rất hữu ích cho việc thực hiện Hệ thống Chỉ dẫn Lũ quét, đặc biệt trong việc ước tính và dự báo lượng mưa. Có thể, sự kết hợp giữa hai hệ thống được thiết lập. Vì vậy, điều quan trọng là phải khai thác được năng lực của Trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa hai Dự án. Với những tiến bộ trong tương lai cho SWFDP, đây là thời điểm thích hợp để xem xét làm thế nào để tận dụng tốt nhất những tiến bộ này để hỗ trợ dự báo lũ quét ở Đông Nam Á.
Từ ngày 20-22/11/2017 cũng diễn ra cuộc họp lập kế hoạch ban đầu của Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS). Cuộc họp với nội dung chia sẻ hiện trạng cơ sở hạ tầng cảnh báo, dự báo lũ quét của các Cơ quan KTTV tham dự, WMO; Trao đổi về phương pháp tiếp cận công tác dự báo lũ quét trong khu vực,nhu cầu số liệu cho SEAFFGS; thảo luận về vai trò trách nhiệm của các nước tham gia, các bên liên quant ham gia SEAFFGS. Tìm hiểu về Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét do Ủy ban sông Mê-Công xây dựng… Kết quả dự kiến là đưa ra các chỉ dẫn cảnh báo về lũ quét cho các nước ở khu vực Đông Nam Á (Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin, Thái Lan và Việt Nam); xây dựng các khóa đào tạo về lũ quét cho dự báo viên KTTV các nước tham dự; thảo luận để đề xuất 01 nước thành viên đảm nhận vai trò chính thực hiện SEAFFGS và dự kiến thành lập Trung tâm hỗ trợ khu vực.
Quang cảnh cuộc họp |
Các sự kiện nêu trên thuộc Chương trình “Xây dựng khả năng thích ứng các hiện tượng khí tượng thủy văn có những tác động mạnh thông qua việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” (MHEWS) do Chính phủ Canada hỗ trợ kinh phí Chương trình MHEWS.
Ngoài ra, trong chuỗi sự kiện lần này còn diễn ra cuộc họp hỗn hợp giữa SWFDP và SEAFFGS vào sáng 23/11/2017, đề cập đến các hoạt động chung giữa SeA-SWFDP và SEAFFGS để tăng cường tính phối hợp và liên kết hiệu quả hướng đến tăng cường năng lực, nhu cầu xử lý mô hình phân giải dự báo số và ước tính định lượng mưa; cuộc họp lần thứ nhất của Ban điều hành MHEWS (SEA-SC) vào chiều 23/11/2017 nhằm giới thiệu tổng quan về Chương trình Xây dựng khả năng thích ứng các hiện tượng khí tượng thủy văn có tác động mạnh thông qua việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển; thảo luận về dự thảo khung tham chiếu chức năng của Ban điều hành chương trình khu vực Đông Nam Á và xây dựng kế hoạch hoạt động của MHEWS 2017-2018 và 2018-2019.
Mai Đan – Hoàng Minh