Nạn săn bắt các loài chim hoang dã tại đảo Cát Bà: Có tình trạng như báo chí nêu và diễn ra thường xuyên

Phạm Duy - Minh Khôi| 05/12/2020 21:14

(TN&MT) - Tổng cục Môi trường vừa thành lập Đoàn kiểm tra theo phản ánh của báo chí về nạn săn bắt các loài chim hoang dã tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Theo đó Đoàn kiểm tra đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng và UBND huyện Cát Hải trong hai ngày (04 và 05/12).

Thành phần Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Trưởng đoàn;  ông Trần Trọng Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Bảo tồn loài, Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học; ông Lê Ngọc Hưng, Chuyên viên phòng Bảo tồn loài, Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học; bà Đỗ Việt Nga, Chuyên viên Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường; ông Phan Cao Hải Ninh, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an.

Về phía địa phương có: Bà Đỗ Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng; bà Đỗ Thị Loan Oanh, Chuyên viên Chi Cục Bảo vệ Môi trường; ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà; ông Phạm Văn Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; bà Phạm Hồng Phiến, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm.

Đủ cách đối phó...

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hải Phòng khẳng định có tình trạng như báo nêu và vẫn diễn ra thường xuyên...

Trong năm 2020, Hạt kiểm lâm huyện Cát Hải đã phối hợp với Công an, Phòng TN&MT và chính quyền các xã để tuần tra, kiểm tra 40 buổi tại: xã Xuân Đán, xã Trân Châu, thị trấn Cát Bà và thị trấn Cát Hải. Kết quả thu được các loại cọc tre, loa, âm ly, đèn nháy, súng tự chế, súng cồn và 13 cá thể chim dính lưới cùng hơn 6.000m lưới. Các lần tuần tra, đoàn không bắt được đối tượng săn bắt nào vì họ thường vào ban đêm.

Ông Phạm Văn Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Hải Phòng khẳng định có tình trạng như báo nêu và vẫn diễn ra thường xuyên...

 

Bà Đỗ Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng phát biểu tại buổi làm việc.

"Chúng tôi đi tuần tra, tuy nhiên người dân có đủ phương án đối phó, lưới (dùng bẫy chim) họ khai để bảo vệ rau, bảo vệ cá. Chính vì vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý... Địa hình tại đảo hết sức phức tạp cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho đoàn tuần tra. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân chưa cao ... nên vẫn diễn ra tình trạng săn bắt như hiện tại" ông Hiển chia sẻ.

Ông Hiển cho rằng, mặc dù UBND huyện đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND, nhưng trong vấn đề này, cần phải có sự ra quân tích cực của UBND huyện thì vấn đề mới giải quyết triệt để được. Từ đầu năm tới nay mới chỉ bắt được 13 cá thể chim dính lưới là không phản ánh được thực tế. Đây là vấn đề khó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị, xã hội. Cả Hạt kiểm lâm huyện chỉ có 03 nhân sự thì rất khó để phát hiện và kiểm soát được tình trạng trên.

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết: Việc săn bắt diễn ra ở các xã vùng đệm, trong mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 11.

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết: Việc săn bắt diễn ra ở các xã vùng đệm, trong mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 11. Đối với Hạt kiểm lâm huyện đã xây dựng các kế hoạch tuyên truyền và các tổ tuần tra để ngăn chặn. Vườn Quốc gia đã xây dựng kế hoạch hành động riêng, nhưng chỉ trong phạm vi của Vườn, không thể hoạt động ngoài địa bàn của Vườn vì sợ dẫn đến việc chồng lấn về nhiệm vụ. Trong phạm vi Vườn Quốc gia, ông Thịu khẳng định không có tình trạng bẫy, bắt chim.

Ông Hoàng Trung Cường Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải báo cáo Đoàn kiểm tra.

Về phía UBND huyện Cát Hải, Phó chủ tịch Hoàng Trung Cường, cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, ngày 2/12, Huyện đã tổ chức cuộc họp tiếp thu, giải trình những thông tin phản ảnh và có báo cáo gửi UBND thành phố Hải Phòng. Đồng thời, Hạt kiểm lâm khu vực Cát Hải-Bạch Long Vỹ cũng xác minh, lập biên bản làm việc đối với ông Đoàn Văn Viên, trú tại thôn 2, xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Trong biên bản làm việc, ông Viên cũng khẳng định mình chính là người tên Viễn trong bài báo đã nêu và xác nhận việc săn bắt chim di cư là do thói quen đã có từ lâu đời của gia đình và một số người dân khác trên địa bàn. Đồng thời, huyện Cát Hải cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục xác minh và làm rõ hành vi nêu trên của ông Viễn và sẽ có chế tài xử lý nêu phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn ghi nhận việc thành phố Hải Phòng, các sở, ban ngành thành phố ban hành nhiều kế hoạch tăng cường công tác quản lý, báo vệ các loài động vật hoang dã và chim di cư, tuyên truyền nâng cao nhân thức người dân để kiểm soát tinh trạng săn bắt.

Tuy nhiên, việc đặt bẫy bắt các loài chim di cư vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học nói chung. Bà Nhàn đề nghị trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng cần tâng cường công tác chi đạo, điều hành, phối hợp liên ngành, thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư Huyện Cát Hải. Lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường và các cơ quan liên quan cần tăng cường phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định, không để tiếp diễn tình trang săn bắt trái phép.

Bên cạnh đó, huyện Cát Hải cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong kiểm soát tình hình và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng này tiếp diễn gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã được quốc tế công nhận. 

Đồng thời, Đoàn công tác cũng yêu cầu huyện Cát Hải phải có báo cáo chi tiết về tình trạng bẫy, bắt chim trời trên địa bàn, cùng với kết quả  xử lý đối với các thông tin báo chí nêu và có các biện pháp kiểm soát tốt tình trạng săn bắt các loại chim hoang dã trong thời gian tới và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hải Phòng, Đoàn công tác trước ngày 30/12/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn săn bắt các loài chim hoang dã tại đảo Cát Bà: Có tình trạng như báo chí nêu và diễn ra thường xuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO