Xã hội

Nậm Pồ: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Hoàng Châu - Thảo Trang 10/06/2024 - 17:25

(TN&MT) - Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã triển khai ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn gặp không ít khó khăn. Từ đó, Hội nông dân huyện Nậm Pồ đã đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xuất hiện nhiều cá nhân, hợp tác xã điển hình trong việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: ông Mùa Chớ Sùng, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên áp dụng khoa học kĩ thuật trong mô hình trồng bí xanh; Hợp tác xã rau sạch ở xã Si Pa Phìn, huyên Nậm Pồ với diện tích hơn 30ha đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ VietGap,… đã cho thấy mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

448085245_122151884876094254_8076314376294027796_n.jpg
Nông dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nhân giống cây trồng.

Với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều hoạt động khai thác thế mạnh của địa phương. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ nhận thức đó, huyện Nậm Pồ đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, tăng thu nhập ổn định cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nông dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên tham gia mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức. Với đặc thù của Nậm Pồ là huyện vùng cao biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông và dân tộc Thái là chủ yếu, nên trình độ nhận thức và hiểu biết của một số hội viên, nông dân trong áp dụng khoa học vào trong sản xuất chưa cao.

448072578_122151884924094254_4125834117781212316_n.jpg
Người dân thu hoạch bí tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư cao, nên người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, còn sợ rủi ro. Giá cả các sản phẩm từ nông nghiệp còn bấp bênh, không ổn định, khó khăn trong việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lò Văn Nọi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Từ thực trạng và những khó khăn trên, Hội nông dân huyện Nậm Pồ đã chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hội tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong việc xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

chanh-leo-nam-po.jpg
Trồng chanh leo tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Song song với đó, trình diễn nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để hội viên, nông dân thấy và trực tiếp thực hành; mở các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kĩ thuật, chuyển giao áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thật và cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân, để người dân sớm được tiếp cận với khoa học kĩ thuật mới tiên tiến, hiện đại.

Hội nông dân huyện Nậm Pồ khuyến khích thành lập kinh tế tập thể và có những chính sách ưu đãi cho các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là nguồn vốn đầu tư. Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm được ổn định cần phải liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm.

Ông Nọi, cho biết thêm: Để khoa học công nghệ thật sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới tiếp tục cần sự quan tâm của các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nông nghiệp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nậm Pồ: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO