“Hỏi đường nhưng lại đi tả cảnh?”
Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường đăng nội dung loạt bài: “Nậm Pồ - Điện Biên: Lùm xùm vụ Bí thư xã xây chợ tư nhân trên đất nông nghiệp”, ngày 13/3 – 19/3/2018 phản ánh cấp ủy đảng, chính quyền huyện Nậm Pồ buông lỏng quản lý đất đai, cụ thể: Thường trực Huyện ủy không ban hành văn bản chủ trương xã hội hóa xây dựng chợ mà “chỉ đạo miệng” cho hộ ông Ngô Xuân Chiến, Bí thư, Đảng ủy xã Nà Hỳ xây chợ trên diện tích đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Với chủ trương vừa thực hiện vừa xây chợ vừa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục (cuối tháng 3/2017 đã xây chợ, nhưng đến tháng 6/2017 mới hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất).
Bên cạnh đó, việc ông Ngô Xuân Chiến xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở nông thôn nhưng lại dùng xây chợ là không đúng quy định Luật Đất đai hiện hành. Việc đầu tư xây chợ thì phải xin chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiêp (đất chợ); đầu tư xây chợ phải tuân thủ theo các quy định của Luật Đầu tư (cấp phép đầu tư), Luật Bảo vệ môi trường (kế hoạch, hoặc đánh giá tác động môi trường...), thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy...
Sau khi bài báo đăng, ngày 23/3/2018, UBND huyện Nậm Pồ, ban hành công văn số 301/UBND-TN gửi Công an tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đề nghị làm rõ nội dung bịa đặt, phóng đại khuyết điểm quản lý đất đai của huyện Nậm Pồ trên báo.
Ngày 30/3/2018, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 3, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên chủ trì, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ đứng trước Hội nghị thay vì đi vào nội dung trọng tâm, phản hồi lại thông tin báo chí đã đưa về công tác yếu kém, buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai, thì ông Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ lại phân trần: kể khó, kể khổ, kể công, kể tội... một loạt đội ngũ cán bộ chuyên môn, xã phường, ca ngợi uy tín bản thân... mà quên đi quan điểm của chính quyền về bài báo. Và hơn nữa là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền huyện để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn. Tại đây ông Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ nói: “Việc làm đó không sai, chỉ là cá nhân ông Chiến chưa khôn. Đáng lẽ ông Chiến phải để cho vợ con, cháu chắt đứng tên, mình là người đứng đầu (ông Chiến là Bí thư Đảng ủy xã Nà Hỳ - PV) đứng tên mua đất làm gì...”.
Trước những phản ứng trên của ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, PV Báo Tài nguyên và Môi trường truyền tải tất cả những câu hỏi của dư luận để ông Thái trả lời cho rõ: “Việc Huyện ủy, UBND huyện Nậm Pồ cho ông Ngô Xuân Chiến chủ trương xây chợ (chủ trương miệng không ban hành văn bản), 3 tháng sau ông Chiến mới hoàn tất hồ sơ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và chợ của ông Chiến không nằm trong quy hoạch nông thôn mới của xã Nà Hỳ. Bên cạnh đó, ông Chủ tịch huyện có nắm được hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Ngô Xuân Chiến và ông Thùng Văn Vững đã có hành vi gian lận trốn thuế không? Vì Trong hợp đồng chuyển nhượng chỉ có 65 triệu đồng, nhưng trên thực tế hai hộ giao dịch với tổng số tiền là 580 triệu đồng. Theo Điều 129 của Bộ Luật dân sự năm 2015, thì hợp đồng đó vô hiệu, không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ khi một trong hai bên thực hiện giao dịch có hành vi trốn thuế.
Không thể nói khác về sai phạm quản lý đất đai của huyện Nậm Pồ!
Chúng tôi trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật Vietthink (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), dưới góc nhìn pháp lý vụ việc nêu trêbn của huyện Nậm Pồ . Ông Tuấn cho biết: Trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu không thể đổ lỗi do hậu quả lịch sử, do tranh chấp, do lấn chiếm... hay do cấp dưới chuyên môn yếu. Trước những sự việc đó, Huyện ủy, UBND huyện Nậm Pồ cần phải thừa nhận việc buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai. Cụ thể, việc Thường trực Huyện ủy không ban hành văn bản chủ trương xã hội hóa xây dựng chợ, mà “chỉ đạo miệng” cho thực hiện thí điểm xây chợ Nà Hỳ, với điều kiện vừa thực hiện xây chợ vừa hoàn thiện thủ tục hồ sơ (thể hiện trong văn bản số 152 của Huyện ủy Nậm Pồ).Theo bản tự kê khai của hộ gia đình ông Thùng Văn Vững xác định là đất trồng lúa nước thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh, theo Luật Đất đai hiện hành.
Cán bộ địa chính xã Nà Hỳ không cung cấp được “bản đồ địa chính chính quy” (bản đồ này sẽ thể hiện rất rõ hiện trạng khu đất, mục đích sử dụng đất, nguồn gốc đất...) mà chỉ giải thích miệng và cho xem các bản đồ quy hoạch; UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Nậm Pồ khẳng định diện tích đất xây chợ của ông Chiến thuộc đất trồng cây hằng năm là không có cơ sở.
Như vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước sang đất ở nông thôn nhưng lại sử dụng vào mục đích xây chợ của gia đình ông Ngô Xuân Chiến là trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, chợ phải có trong quy hoạch nông thôn mới của xã Nà Hỳ. Tại văn bản 152-BC/HU của Huyện ủy Nậm Pồ ngày 17/7/2017, báo cáo một số nội dung liên quan đến ông Ngô Xuân Chiến huyện ủy viên, Bí thư đảng ủy xã Nà Hỳ, chỉ rất rõ: “Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Trung tâm xã Nà Hỳ được UBND huyện phê duyệt tại QĐ 1286/QĐ-UBND ngày 18/7/2014, chưa xác định được đất làm chợ”. Nghĩa là chợ của ông Chiến dựng lên không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã Nà Hỳ và của huyện Nậm Pồ trước đó.
Mặc dù chính quyền huyện Nậm Pồ cho chủ trương xã hội hóa xây chợ thì cũng cần cụ thể hóa bằng văn bản và dựa trên nguyên tắc đúng Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy phải được đảm bảo trong điều kiện tối thiểu để an toàn tính mạng và tài sản cho người dân tham gia bán hàng trong chợ.
Câu chuyện xây chợ tại xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ nếu cho đó là việc nhỏ thì cũng thật là nhỏ so với các dự án phải lấy đi hàng chục héc-ta đất nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Nhưng với huyện Nậm Pồ thì đây là khu chợ đầu tiên được xây dựng có mái tôn che bà con được vào buôn, bán. Sẽ rất nhân văn và ý nghĩa nếu chính quyền địa phương nơi này tuân thủ theo các quy định của luật pháp.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin sự việc.