(TN&MT) - Thời điểm này đã cuối tháng 5 nhưng lũ Tiểu mãn vẫn chưa xuất hiện. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV trung ương, đến cuối tháng 5 (từ ngày 29/5 – 30/5) có khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng ở các khu vực như Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Bình Thuận nên có khả năng lũ tiểu mãn năm nay xuất hiện muộn vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 ở các khu vực trên.
Lũ tiểu mãn là đợt lũ thường xảy ra vào thời kỳ tiết Tiểu mãn khoảng cuối tháng 5 hàng năm (trung bình nhiều năm là 22/5 dương lịch). Theo quy ước, tiết Tiểu mãn là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 21, 22 tháng 5 khi kết thúc tiết lập hạ và kết thúc vào khoảng ngày 5, 6 tháng 6 dương lịch.
Lũ Tiểu mãn về trên sông Đà
Lũ tiểu mãn thường xuất hiện do hoạt động của rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam đi qua Bắc Bộ, hoặc tác động của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, hoặc hoạt động mạnh của gió mùa tây nam... gây mưa lớn diện rộng. Lũ tiểu mãn thường xuất hiện ở các vùng núi thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Thuận. Biên độ nước lên khi có lũ tiểu mãn thường đạt 3-5 m ở thượng nguồn, 2-3 m ở hạ lưu các sông.
Lũ tiểu mãn thường không lớn nhưng là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp, bổ sung nguồn nước ngầm, cung cấp cho nước sạch đô thị, sinh hoạt và là lượng nước quý giá bổ sung cho các sông, hồ tự nhiên, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa thuỷ điện sau các tháng mùa khô, nắng nóng, ít mưa kéo dài từ các tháng cuối năm trước, nguồn nước các hồ chứa đều suy giảm, cạn kiệt hoặc khô hạn kéo dài.
Ngoài mặt ích lợi trên, khi lũ tiểu mãn lớn có khả năng gây ra những tổn thất, thiệt hại như tạo thành lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, sườn dốc, ngập lụt ở các vùng trũng, các bãi ven sông hay giữa sông, làm chết người, gia súc, thiệt hại về lúa, cây trồng nông nghiệp, thủy sản, đường giao thông…
Thu Hạnh