Xã hội

Nam Giang (Quảng Nam): Giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế xanh

Lan Anh 27/03/2024 - 17:18

(TN&MT) - Nam Giang là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, nơi có khoảng 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, địa phương đã triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo lồng ghép xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế xanh, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Để hiểu rõ hơn, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch huyện Nam Giang xung quanh vấn đề này:

ong-chau-van-ngo.jpg
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang

PV: Thưa ông, thời gian qua địa phương đã có những giải pháp cụ thể gì để giảm nghèo hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân?

Ông Châu Văn Ngọ: Huyện Nam Giang gồm 11 xã, 1 thị trấn với dân số gần 27.000 người. Địa phương có 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp chính quyền huyện Nam Giang chú trọng thực hiện theo hướng bền vững, nhất là về thu nhập và chất lượng sống. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương đã lồng ghép xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, năm 2021, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Quan điểm của địa phương xác định các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực,… để người dân phát huy vai trò vừa là chủ thể trong xây dựng NTM và đồng thời là chủ thể hưởng lợi ích từ kết quả xây dựng NTM; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã, thị trấn trong xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững là giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ huyện và Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy (khóa XX) đã đề ra nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

huyen-nam-giang-tinh-quang-nam-khuyen-khich-nguoi-dan-phat-trien-kinh-te-tu-rung.png
Huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng để giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái

Địa phương đã nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình hoạt động sản xuất cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023, huyện đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân với kinh phí hơn 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trong đó, huyện tập trung vào các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hỗ trợ người dân chăn nuôi heo, bò theo chuỗi để đảm bảo đầu ra ổn định.

Nhìn chung, các nguồn lực từ Chương trình MTQG đã hỗ trợ đắc lực cho người dân cải thiện sinh kế, sớm vươn lên thoát nghèo. Và đặc biệt, đã tạo được sự thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân từ sản xuất “tự cung tự cấp” sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị.

PV: Bên cạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân về vật chất, địa phương triển khai những giải pháp gì để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh- sạch – đẹp thưa ông?

Ông Châu Văn Ngọ: Địa phương nhận thức rõ ô nhiễm môi trường có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của huyện. Để bảo vệ môi trường trong khu dân cư và nâng cao ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp, UBND huyện Nam Giang đã triển khai đồng loạt các giải pháp cụ thể.

Hằng năm, UBND huyện Nam Giang đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Ban duy trì tổ chức các chương trình bằng hành động thực tiễn có tác động trực tiếp đến môi trường như phong trào như ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường... nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng trên địa bàn huyện.

Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất – Đô thị thường xuyên tổ chức thu gom chất thải rắn; các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân phân loại chất thải rắn, thường xuyên tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, dần thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường nhằm phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội; khơi dậy trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

nam-giang.png
Người dân Nam Giang được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống

Chúng tôi cũng thường xuyên vận động người dân tích cực tham gia trồng cây xanh tạo ra các khuôn viên cây xanh trong khu dân cư, qua đó khơi dậy ý thức bảo vệ rừng và tăng cường tham gia vào các hoạt động trồng cây, gây rừng bảo vệ môi trường sinh thái ứng phó biến đổi khí hậu.

Thông qua triển khai hàng loạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương.

PV: Thưa ông, thời gian tới, địa phương có những định hướng gì để vừa thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho người dân miền núi vừa bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái bền vững?

Ông Châu Văn Ngọ: Để đạt được mục tiêu giảm nghèo cho người dân miền núi đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái bền vững, địa phương định hướng phát triển kinh tế xanh, bảo tồn và phát triển rừng nguyên sinh.

Chúng tôi sẽ tận dụng tiềm năng lợi thế của mình để khuyến khích phát triển các ngành kinh tế bền vững như du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi tự nhiên và sử dụng nguồn lực tự nhiên một cách bền vững. Đồng thời, đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất sạch để giảm tác động đến môi trường.

Tăng cường bảo vệ và phục hồi rừng nguyên sinh, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế dựa vào rừng như nuôi trồng lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học. Quản lý rừng một cách bền vững để đảm bảo nguồn lợi ích dài hạn cho cộng đồng và môi trường.

Địa phương cũng sẽ tập trung đầu tư vào giáo dục và đào tạo về bảo tồn môi trường và quản lý tài nguyên tự nhiên cho cộng đồng, đặc biệt là cho thanh thiếu niên và những người làm nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và rừng. Tăng cường nhận thức và kiến thức về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo tồn tài nguyên tự nhiên. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác và sự đồng thuận giữa các bộ phận trong cộng đồng để xây dựng các kế hoạch và chính sách bảo vệ môi trường.

Phát triển các ngành nghề và dịch vụ có liên quan đến bảo tồn môi trường và sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững. Tạo ra các cơ hội việc làm và thu nhập thay thế cho người dân dựa vào các mô hình kinh tế xanh và cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Những năm qua, công tác giảm nghèo của Nam Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023 giảm 553 hộ so với năm 2022, vượt 163 hộ so với tỉnh giao (đạt tỷ lệ 141,8%), so với chỉ tiêu huyện giao vượt 90 hộ (chiếm tỷ lệ 119,43%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Giang (Quảng Nam): Giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO