Nam Định: Tan hoang kè biển nghi do khai thác cát?

Việt Linh - Việt Cường| 11/09/2020 22:27

(TN&MT) - Hơn 1km bờ kè biển tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) bị sập tan hoang, thiệt hại hàng tỷ đồng. Người dân nơi đây cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc kè biển bị sập có thể là do doanh nghiệp hút cát.

Hơn 1km bờ kè biển tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) bị sập tan hoang.

Báo Tài nguyên và Môi trường ngày 10/3/2019 có đăng tải bài viết: “Nghĩa Hưng (Nam Định): Tan hoang bờ kè Khu du lịch sinh thái Rạng Đông” phản ánh về việc công trình kè chắn sóng khu du lịch thuộc “Dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển” do UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng bị sập khoảng 70m chiều dài phía Đông của công trình.

Kè sập kéo theo nhiều cây cối cũng bị gãy đổ, đe doạ cả rừng phòng hộ.

Liên quan đến vấn đề trên, khi đó, ông Sái Hồng Thanh – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Từ cuối năm 2018 đến tháng 3/2019, đoạn bờ kè Khu du lịch sinh thái Rạng Đông đã bị hư hỏng, sạt lở 2 lần. Lần thứ nhất bờ kè bị sạt lở là vào cuối năm 2018, khi ấy huyện đã chi khoảng 2 tỷ đồng để sửa chữa. Tuy nhiên khi sửa xong thì kè lại bị sóng biển cuốn trôi”.

Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng lại tiếp tục phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường về việc khu vực kè biển tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông tiếp tục đổ sập kéo dài hơn 1km, ăn sâu vào tới gần rừng phòng hộ. Theo một số người dân, việc kè biển đang hàng ngày bị sóng biển đánh sập, cuấn trôi khả năng có thể là do Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội hút cát gây nên.

Bờ kè đang tiếp tục bị sập tan hoang.

Người dân cho biết, khi chưa xuất hiện tàu hút cát trên địa bàn thì bờ kè không bị sạt lở. Khi tàu hút cát đến hoạt động tại đây một thời gian thì kè bắt đầu xuất hiện những điểm sạt lở đầu tiên, cho đến nay thì kè biển đã bị sập khoảng hơn 1km.

Nhiều ống cống thoát nước tại khu du lịch cũng bị đổ sập.

“Công ty này hút cát tại khu vực biển này đã mấy năm nay, ngày nào cũng có tới gần 15 tàu thay nhau hút. Họ chỉ dừng hút khi nào có sóng to không thể cho tàu ra được, còn lại là cứ hút đều đặn. Người ta hút cát để chuyển vào san lấp khu công nghiệp Rạng Đông, ban đầu lúc mới hút thì chỉ sập một đoạn kè khu phía Đông, sau đó cát được hút đều thì kè cứ thế bị sập kéo dài”, một người dân cho biết.

Nền khu sinh thái đang tiếp tục bị sụt lún, có biểu hiện bị rút cát ra biển.

Một người dân khác cho biết: “Công ty này trước kia người ta đặt giàn khoan ngay gần khu vực bờ kè, hút cát rồi bơm luôn lên để san lấp khu công nghiệp. Sau khi kè sập thì giàn khoan mới được rút đi sang phía Tây kè để hút, hiện tại ống bơm cát vẫn còn được đặt ở dưới biển, trụ sở công ty cũng vẫn còn nằm ngay cạnh khu vực sạt lở”, người dân nói.

Nhiều khối bê tông lớn trên bờ kè cũng bị đổ gãy.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Quang Trung, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (thuộc Sở TN&MT tỉnh Nam Định) cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định có cấp cho Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội được quyền khai thác cát kể từ ngày 10/11/2017 bằng phương pháp lộ thiên tại Lô số 1A khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng.

Hàng loạt tàu nối đuôi nhau hút cát ngay gần bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp 3 giấy phép khai thác cát khác cho Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội tại Lô số 1B, 2A, 2B. Tổng diện tích được cấp khép khai thác cát tại 4 giấy phép là 180ha với tổng trữ lượng 6.057.180 m3.

Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, hiện tại khu vực bờ kè của khu du lịch sinh thái Rạng Đông đã bị đổ nát tan hoang với chiều dài khoảng hơn 1km. Cách bờ biển không xa, vẫn có hàng chục tàu nối nhau hút cát sau đó vận chuyển đi nơi khác.

Tàu cỡ lớn vừa đi vừa hút cát...

Ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng cho biết: “Tại khu vực nhiều hôm có tới 20 tàu ra hút cát. Tuần vừa rồi tôi và đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã ra kiểm tra, giao anh em chuyên môn của huyện đánh giá, xác định khoảng cách từ bờ kè ra khu vực đang khai thác cát là 300m”, ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, sau khi bờ kè tiếp tục bị sập chính quyền tỉnh Nam Định đã thành lập các đoàn về kiểm tra và mời các nhà khoa học về đánh giá, tìm nguyên nhân. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được việc kè bị sập là do môi trường hay những vấn đề khách quan.

Trước sự việc trên, kiến nghị các ngành chức năng địa phương, trung ương cần vào cuộc một cách quyết liệt sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc sập kè biển để có phương án xử lý, tránh gây hậu quả xấu tới khu du lịch sinh thái và toàn bộ cánh rừng phòng hộ ven biển.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Tan hoang kè biển nghi do khai thác cát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO