Năm Dần nói chuyện Võ Hổ

Phan Thanh Đà Hải| 01/02/2022 07:54

(TN&MT) - Trong võ cổ truyền của nhiều dân tộc, Hổ là một trong số linh vật có vị trí chủ đạo. Hình tượng của Hổ với những động tác, tư thế và sức mạnh phi thường của loài chúa sơn lâm được thể hiện qua nhiều bài quyền, thế võ, môn võ về Hổ.

Nhiều người cho rằng võ Hổ ra đời ở Trung Quốc, căn cứ vào nhiều bài quyền của phái Thiếu Lâm hay Võ Đang. Tuy vậy, trong Pencak Silat của Indonesia, Karatedo của Nhật Bản, Kalari của Ấn Độ, Võ cổ truyền Việt Nam cũng có những bài võ Hổ đặc trưng.

h1(1).jpg

Với kỹ năng chiến đấu tuyệt vời, sức mạnh và sự lanh lẹn hung dữ của mình, Hổ đã làm các loài vật khác phải khiếp sợ. Khả năng chiến đấu của Hổ rất cao, đặc biệt là Hổ trảo, Hổ thường tận dụng sức bật, sự dẻo dai cùng móng vuốt sắc nhọn và những cú vả, bạt như trời giáng khi cận chiến với đối thủ.

Hổ có vị trí chủ đạo trong Võ thuật cổ truyền, có nhiều bài quyền về Hổ. Hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài Hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã.

Hình tượng của Hổ với sức mạnh của mãnh chúa rừng xanh đã đi vào Võ cổ truyền Việt Nam như một nét đẹp của văn hóa Việt và tinh thần thượng võ. Trong Võ cổ truyền Việt Nam, võ Hổ xuất hiện khá nhiều như Mãnh hổ xuất sơn của võ Bình Định chân truyền; Hắc Hổ xuyên tâm, Long Hổ quyền của hệ phái Nam Hồng Sơn; Phục Hổ công, Mãnh Hổ quyền của Thăng Long võ đạo; Hồng Hổ quyền của Tây Sơn Bình Định, Long hổ quyền (Hổ trảo) của Võ lâm vườn trầu…

Phái võ An Thái - Bình Định góp phần hình thành hệ thống quyền thuật của môn phái khá chặt chẽ, được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền; trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng. Trong môn phái An Thái có Thảo Tam Cước Hổ, tức là ba bước chân cọp.

Ngoài ra, các võ sư ở Việt Nam còn nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên, sáng tạo thành những bài hình tượng quyền như Ngũ cầm quyền (Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo). Theo Đại võ sư Hồ Văn Giáo - Chưởng môn Bạch Hổ Lâm: “Hổ là một trong những hình tượng quyền lực, Hổ chỉ đứng sau Rồng; trong nhóm ngũ hành: Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo. Hổ quyền mô phỏng động tác tấn công, phòng thủ của loài Hổ. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm của rừng xanh. Hổ chỉ tấn công khi cần phải tự vệ và có khả năng chiến đấu rất cao, dũng mãnh. Đây chính là đặc trưng của môn phái Bạch Hổ võ lâm”.

h2.jpeg
Đại võ sư Tấn Vương (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Lão hổ vồ mồi trong bài quyền quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Lão hổ thượng sơn

Bài quyền Lão Hổ thượng sơn (Cọp tinh trên núi) là 1 trong 10 bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Lấy chúa sơn lâm làm hình tượng, bài quyền là sự thể hiện sức mạnh và thần thái uy nghi của loài Hổ. Các động tác dứt khoát, xoay chuyển biến hóa, dũng mãnh mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài Hổ trong đời sống hoang dã rừng xanh. Xuất xứ ban đầu của bài thuộc võ phái Nam Tông - một võ phái cổ truyền Việt Nam do Võ sư Lê Văn Kiển (tục gọi là thầy Tám Kiển) sáng lập. Lão Hổ thượng sơn là bài quyền trấn môn của võ phái này, trước đây chỉ được truyền dạy cho học trò cao cấp.

Tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 1 của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức tại TP.HCM năm 1993, bài quyền được chọn đưa vào chương trình đào tạo, thi đấu và biểu diễn bắt buộc của tất cả các môn phái võ thuật cổ truyền trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm Dần nói chuyện Võ Hổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO