Phong phú nguồn năng lượng tái tạo
Hiện nay, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày một gia tăng, khả năng cung cấp các nguồn năng lượng nội địa hạn chế, trong khi tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn, những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học (KSH), nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.
Theo đánh giá các chuyên gia thì thủy điện nhỏ được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo khả thi nhất về mặt kinh tế - tài chính. Căn cứ vào các báo cáo đánh giá gần đây nhất thì hiện nay có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, qui mô từ 100kW tới 30MW với tổng công suất đặt trên 7.000MW, các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng gió nhưng hiện tại số liệu về tiềm năng khai thác năng lượng gió của Việt Nam chưa được lượng hóa đầy đủ bởi còn thiếu điều tra và đo đạc. Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam tập trung nhiều nhất tại vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và các đảo.
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Các loại sinh khối chính là: gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng là: Trấu ở Đồng bằng Sông Cửu long, Bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông-lâm-hải sản.
Việt Nam còn có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời, có thể khai thác cho các sử dụng như: Đun nước nóng, Phát điện và Các ứng dụng khác như sấy, nấu ăn... Với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.
Mặc dù nguồn địa nhiệt chưa được điều tra và tính toán kỹ, tuy nhiên, với số liệu điều tra cho thấy tiềm năng điện địa nhiệt ở Việt Nam có thể khai thác đến trên 300MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả là miền Trung.
Điện gió là một trong những tiềm năng của Việt Nam
Phát triển năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường
Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050 mới công bố của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải carbon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu.
Báo cáo đã phân tích tổng quát về tình hình của ngành điện quốc gia trong bối cảnh tổng thể của ngành năng lượng đồng thời đưa ra các kịch bản phát triển mà Việt Nam có thể lựa chọn cho chiến lược phát triển tới năm 2050. Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều nguồn năng lượng tái tạo có thể dùng để phát điện như mặt trời, gió, nước, địa nhiệt, sinh khối và đại dương.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam có kế hoạch phát triển điện lực chủ yếu dựa vào các dự án thủy điện thiếu bền vững và các dự án nhiệt điện dùng các nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng carbon cao gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, thậm chí cả điện hạt nhân có giá thành cao và chứa đựng nhiều rủi ro.
Báo cáo đưa ra 3 đề xuất: Kịch bản Phát triển thông thường, Kịch bản Phát triển Năng lượng bền vững và Kịch bản Phát triển Năng lượng bền vững Tối ưu. Kịch bản Phát triển thông thường dựa vào nguyên liệu hoá thạch và các công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, gây ra nhiều khí thải.
Hai Kịch bản Phát triển Năng lượng bền vững đều cho thấy tới năm 2050, trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng ít nhất từ 81% đến 100% nhu cầu điện quốc gia; đồng thời giúp giảm tới 80% lượng khí thải các-bon. Việc tăng khí thải các-bon do sử dụng than đốt và các nguyên liệu hoá thạch khác là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của báo cáo, nếu sử dụng năng lượng hiệu quả và tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo phong phú, Việt Nam có thể: Giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch hoặc nhập khẩu than; Đảm bảo giá điện ổn định trong các thập niên tới; Tạo thêm việc làm; Tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực, và giảm các tác hại lên môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động theo xu thế tăng và Việt Nam sẽ sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới..., Chính vì vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phạm Thu Hà