Năm 2020, phát triển gấp đôi hổ hoang dã: Bài toán khó!

20/03/2014 00:00

(TN&MT) - Mặc dù loài hổ được sinh sản khá dễ trong môi trường nuôi nhốt nhưng để đạt mục tiêu gấp đôi số hổ trong tự nhiên của Việt Nam vào năm 2022

(TN&MT) - Mặc dù loài hổ được sinh sản khá dễ trong môi trường nuôi nhốt nhưng để đạt mục tiêu gấp đôi số hổ trong tự nhiên của Việt Nam vào năm 2022 thật không dễ dàng bởi thực tế đặt ra vô vàn những khó khăn cho các nhà bảo tồn loài vật đang trên đà tuyệt chủng này.
   
Nguy cơ tuyệt chủng
   
  Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF) ước tính ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 30 con hổ sống trong môi trường hoang dã trong tổng số 3.200 con trên toàn thế giới. Số lượng hổ hoang dã ở Việt Nam đã giảm từ 100 con trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng 28 - 47 cá thể sinh sống rải rác ở các khu rừng hẻo lánh và đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt diệt do bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống. Bên cạnh đó, số hổ nuôi nhốt cũng chỉ có 112 cá thể. Nguy cơ tuyệt chủng loài hổ tại Việt Nam đang rất hiện hữu.
   
   
  Việt Nam là một thị trường nóng về buôn bán hổ trái phép do cao hổ và rượu ngâm từ các bộ phận của hổ đang ngày càng được ưa chuộng, do những công dụng được cho là có thể chữa bệnh mặc dù chưa được y học kiểm chứng một cách chính thức.
   
  So với hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam, hoạt động buôn bán hổ có tính chất hoàn toàn khác biệt do số lượng ít và giá trị cao của loài động vật này. Các đối tượng vi phạm hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để che giấu hành vi bất hợp pháp của mình nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Những đối tượng này thường sử dụng số điện thoại trả trước, thiết lập các mối liên lạc qua biên giới quốc gia hoặc lợi dụng các mối quan hệ để đảm bảo hàng được buôn bán, vận chuyển trót lọt tới đối tượng tiêu thụ.
   
Đi tìm giải pháp chiến lược
   
  Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình quốc gia về bảo tồn hổ đến năm 2022, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Cụ thể, dự thảo Chương trình đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển quần thể hổ hoang dã và con mồi của hổ ở Việt Nam, góp phần đạt được mục tiêu tăng quần thể hổ hoang dã lên gấp đôi trên quy mô toàn cầu vào năm 2022. Theo đó, lộ trình đến năm 2015, phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các vùng sinh cảnh bảo tồn hổ. Đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn hổ tự nhiên. Cũng như, bảo đảm công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ đạt hiệu quả…
   
  Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn hổ là khá đầy đủ, vấn đề là làm thế nào để thực hiện. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết, mỗi lứa đẻ của hổ có ba con, vì thế rất dễ phục hồi và phát triển đàn hổ. Và điều cần làm trước tiên là phải điều tra xem trong những cá thể hổ hoang dã còn lại ở Việt Nam thì có bao nhiêu con đực, bao nhiêu con cái trong độ tuổi sinh sản.
   
  Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo, Đỗ Đình Tiến cho rằng nhu cầu sử dụng sản phẩm hổ rất cao trong khi nguồn lực cho công tác bảo tồn hổ rất nhỏ, nên để đạt được mục tiêu của chương trình bảo tồn hổ ở Việt Nam là rất khó khăn. Trong tình huống này, biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức gần như không có tác dụng là mấy. Và việc điều tra những vùng có hổ để bảo tồn cũng sẽ không hiệu quả vì cá thể hổ ngoài tự nhiên còn quá ít. Vì thế, chúng ta cần tập trung vào việc cho sinh sản và thả hổ về vùng có sinh cảnh. Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn hiện đang có những con hổ trong tuổi sinh sản. Nên cho những con hổ này đẻ và thả về nơi hoang dã thì mới bảo tồn được.
   
  Đồng tình với ý kiến của ông Tiến, ông Keshav Varma Giám đốc Chương trình khôi phục Hổ toàn cầu (GTRP) cho rằng khôi phục hổ cũng cần có những điều kiện đặc thù, không chỉ một cơ quan nào có thể thực hiện được, mà cần có sự vào cuộc của cả Chính phủ và người dân. Chúng ta nên thả hổ con về rừng để bảo đảm được khả năng sinh tồn của loài này.
   
Nguyễn Cường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, phát triển gấp đôi hổ hoang dã: Bài toán khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO