Mường Nhé giảm nghèo từ nhiều chính sách
(TN&MT) - Trước đây, làn sóng di cư của một bộ phần đồng bào dân tộc Mông diễn ra trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ngoài vấn đề gây mất an ninh, trật tự thì việc tranh chấp đất ở, đất sản xuất giữa các hộ di cư và các hộ dân sở tại có giai đoạn đẩy lên cao trào rất nóng và cấp thiết. Cùng với đó là hệ lụy phá rừng làm nương, mất an ninh lương thực…Song, đến nay nạn di cư và tình trạng phá rừng được kiểm soát chặt chẽ, người dân đã dần ổn định, đời sống đã được nâng lên…
Chính sách ổn định dân di cư tự do
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, cho biết: Từ khi huyện Mường Nhé kiểm soát chặt chẽ tình trạng người dân di cư vào Mường Nhé, tình trạng thiếu đất canh tác sản xuất cục bộ của nhóm hộ dân không còn xảy ra. Việc tranh chấp đất, tranh chấp rừng cũng không còn nóng.
Những năm 2012 đổ về trước, có thể gọi đó là làn sóng di cư của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông di chuyển vào Mường Nhé. Điều này đã xảy ra rất nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, tháng 01/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 79/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé. Có phạm vi điều chỉnh toàn bộ các xã của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án 79).
Mục tiêu của Đề án: Xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư, bảo đảm người dân có đủ đất sản xuất, có nhà ở, có đủ nước sinh hoạt và sản xuất. Phấn đấu toàn huyện không có hộ đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, công trình công cộng tại các xã, bản phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Cụ thể: Bố trí sắp xếp, ổn định đời sống cho 10.876 hộ với 62.020 khẩu, thuộc 153 bản và 14 nhóm dân cư hiện có. Đến hết năm 2015 toàn huyện có 11.931 hộ với trên 6,7 vạn người bố trí tại 210 bản được định canh, định cư (bao gồm: 153 bản hiện có, 10 bản được chia tách hành chính để quản lý, 47 bản thành lập mới sau khi bố trí, sắp xếp các hộ dân)
Đến nay, Đề án đã cơ bản sắp xếp ổn định cho khoảng hơn 1.000 hộ, với hơn 6.600 nhân khẩu. Cơ bản đồng bào có đủ đất canh tác, đất ở… tình trạng di cư đã được kiểm soát chặt chẽ từ những năm 2016 trở lại đây. Điều này đã làm chuyển biến tình hình về an ninh trật tự tại Mường Nhé. Nạn phá rừng làm nương cơ bản đã kiểm soát tốt. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ quản lí bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đồng bào có thể sống được nhờ rừng.
Chuyển biến mạnh mẽ từ chính sách bảo vệ rừng
Ông Cương cho biết thêm: Huyện Mường Nhé được biết đến là một điểm nóng về tình trạng phá rừng, xâm hại nguồn tài nguyên rừng. Trong đó, chặt phá rừng, đốt nương làm rãy, dân di cư tự do là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn tài nguyên rừng. Ở đây đều là người dân tộc thiểu số, người dân sống ven rừng và xen lẫn rừng có số lượng bản lớn. Bên cạnh đó trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống nương rẫy bấp bênh, phải dựa nhiều vào rừng để mưu sinh, việc canh tác nương rẫy của nhân dân đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng, tình trạng phá rừng ở huyện Mường Nhé vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện, đời sống Nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Mường Nhé đã được cải thiện rõ rệt, giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, có thêm việc làm, nâng cao thu nhập vừa góp phần vào việc bảo vệ rừng và là yếu tố quan trọng trong cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng; số vụ cháy rừng, vi phạm lâm luật giảm dần qua các năm, góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập, tạo động lực gắn bó với rừng.
Tính riêng năm 2021, đồng bào các dân tộc Mường Nhé nhận tiền khoanh nuôi, bảo vệ rừng từ Quỹ bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Điện Biên và một số đơn vị nhận ủy thác trên 85 tỷ đồng. Rất nhiều hộ ở các xã Leng Su Sìn, Sín Thầu, Sen Thượng huyện Mường Nhé mỗi năm nhận tiền khoanh nuôi, bảo vệ rừng từ Quỹ khoảng 100 triệu đồng/năm. Đây là khoản tiền giúp đồng bào sống được nhờ rừng và thoát nghèo bền vững.
Từ đó, hiện tượng lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng để làm nương rẫy, nạn tàn phá, khai thác gỗ rừng trái phép giảm đáng kể, đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số, đã được nâng lên, người dân ra sức bảo vệ rừng, để được hưởng lợi nhiều nhất từ rừng. Đó là những gì mà một số chính sách của Nhà nước đã ưu đãi, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Hiện tại, nhiều hộ dân ở Mường Nhé đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ rừng bằng mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, toàn huyện có khoảng 134ha; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Đến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tựu chung lại, đời sống của đồng bào các dân tộc ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có được như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bà con thì còn có sự hỗ trợ rất lớn từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây.- Ông Cương cho biết.
Mường Nhé là một huyện kém phát triển của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ 200km về phía Tây Bắc. Huyện có diện tích tự nhiên trên 156.908ha, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện 125.797ha (chiếm tỉ lệ 80,17% so với diện tích tự nhiên của huyện), diện tích đất có rừng là hơn 83.000ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 53,21%.