(TN&MT) - Là huyện biên giới và là một trong hơn 60 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, đặc biệt từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Việc sử dụng đất đai có hiệu quả đã góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trung tâm huyện lỵ Mường Nhé đang từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. |
Là huyện miềm núi, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên của huyện là 156.908,11ha (chiếm 16,46% diện tích của tỉnh) bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã, có chung đường biên giới giáp với 2 quốc gia Trung Quốc là 40,861 km và CHDCND Lào là 91,303 km.
Vài năm trở lại đây, tình hình giao dịch về đất đai trên địa bàn huyện Mường Nhé có nhiều bước chuyển biến, nhu cầu sử dụng đất hàng năm được tăng lên, tạo nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ đất tăng dần theo các nănm như: Năm 2015 thu 143.395.000 đồng; năm 2016 thu 246.498.423 đồng; năm 2017 thu 301,749,875 đồng; năm 2018 thu 363.352.565 đồng. Tính đến nay, UBND huyện đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở cho người dân để sử dụng với 1,79ha, thu ngân sách trên 23 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Vùi Văn Nguyện cùng Đoàn giám sát HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra công tác quan lý đất đai trên địa bàn huyện Mường Nhé. |
Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, chia sẻ: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Việc sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả hơn góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, trong công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn huyện cũng bộc lộ những hạn chế như: Cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã thiếu sự quan tâm chỉ đạo, dẫn đến tình trạng vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, tình trạng lấn chiếm đất, tự ý san ủi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dân vẫn xảy ra.
Trong năm 2018 và 2019, Phòng TN&MT huyện Mường Nhé đã tiếp nhận và xác nhận hơn 200 hợp đồng giao dịch đảm bảo thế chấp quyền sử dụng đất; tiếp nhận và giải quyết 123 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực hiện thẩm định và tham mưu phê duyệt phương án giao đất, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy CNQSDĐ cho 9 dự án thuộc Đề án 79. Cùng với đó, Phòng TN&MT huyện Mường Nhé cũng đẩy mạnh công tác cấp Giấy CNQSDĐ; tham mưu UBND huyện nộp hồ sơ trình Hội đồng thẩm định, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Mường Nhé theo quy định. Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và các quy định pháp luật.
Ông Lò Văn Hòa, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Mường Nhé cho biết: Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, lập lại kỷ cương đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp, UBND huyện Mường Nhé đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14/8/2018, về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai.
Cùng với đó, UBND huyện Mường Nhé chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp Luật Đất đai nhằm làm chuyển biến nhận thức của cấp Ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong huyện; tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với quá trình xử lý hành vi vi phạm theo quy định của Pháp luật.
Huyện Mường Nhé đẩy mạnh thực hiện giao đất, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy CNQSDĐ Đề án 79. |
Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết thêm: Huyện đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Đất đai, và các văn bản hướng dẫn thi hành; có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm sử dụng đất như: Lấn chiếm xây dựng công trình trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện khi để tình trạng vi phạm sử dụng đất xảy ra trên địa bàn mình quản lý mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm; thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Giao các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ từng ngành tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đất đai; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các xã, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu. Đồng thời tăng cường sự phối hợp với Chủ tịch UBND các xã trong việc kiểm tra phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Pháp luật đất đai trên địa bàn.