Mường Nhé (Điện Biên): Giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai
(TN&MT) - Huyện Mường Nhé là huyện vùng cao, có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi nhiều con suối. Vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và người dân. Trước tình hình đó, huyện Mường Nhé đã chủ động triển khai các giải pháp kịp thời để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và biện pháp phòng ngừa thiên tai.
Theo thống kê của UBND huyện Mường Nhé, từ đầu mùa mưa năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt mưa to và rất to kèm theo nước lũ, sạt lở đất, đặc biệt lũ cục bộ tại các suối, khe nhỏ gần khu dân cư, ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới gần 90 triệu đồng. Trong đó, 101 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở; 45 hộ có nguy cơ cao phải di dời nhà khẩn cấp. Ngoài ra, 23,15 ha diện tích canh tác lúa nước, nương ngô, sắn bị thiệt hại hoàn toàn; 2,5 ha ao cá bị vỡ.
Mưa lũ khiến nhiều công trình cơ sở hạ tầng cũng bị thiệt hại như: 09 công trình thủy lợi bị hư hỏng, 02 công trình nước sinh hoạt ở bản Tả Kố Khừ bị thiệt hại ước tính lên tới 500 triệu đồng; 15 tuyến đường bị sạt lở, khối lượng ước khoảng 70.000 m3, giá trị ước thiệt hại 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thiệt hại về các cơ sở hạ tầng và thiết bị viễn thông khác, ước thiệt hại lên tới 625 triệu đồng.
Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: huyện Mường Nhé luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của Nhân dân. Để phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại thiên tai có hiệu quả, UBND huyện Mường Nhé thực hiện triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm phòng chống, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Huyện luôn chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai và cách phòng, tránh cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai; trước mùa mưa, huyện chủ động ra soát các hộ gia đình đang có nhà ở tại các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng do thiên tai (sạt lở đất, lúc ống, lúc quét…), sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ di chuyển nhà ở đến nơi an toàn.
Đồng thời, Ban chỉ huy PCTT – TKCN phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch diễn tập và tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai thiên tai luân phiên trên địa bàn các xã; thực hiện nghiêm túc quy chế thường trực PCTT 24/24 giờ, thời điểm từ 05/5 đến 31/10. Với phương châm “bốn tại chỗ”. Phát huy vai trò của Đội xung kích PCTT và TKCN tại các xã, kịp thời báo cáo cấp trên để chủ động tăng cường lực lượng, phương tiện…
Ngoài ra, do địa hình nhiều sông suối nhỏ liền kề với nhà dân trên địa bàn huyện Mường Nhé, việc xây kè bảo vệ khu dân cư là rất cần thiết. Cụ thể, có 02 bản đông dân cư ở xã Sín Thầu và xã Mường Toong bị sạt lở trên 800m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân, dự kiến tổng kinh phí xây dựng kè bảo vệ khoảng 48 triệu đồng.
Để giúp đỡ các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả bị ảnh hưởng do thiên về nhà ở, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã đến từng hộ gia đình đánh giá mức độ thiệt hại, tuyên truyền, vận động các hộ dân khắc phục sửa sang lại nhà ở. UBND huyện dùng kinh phí dự phòng, ngân sách địa phương khoảng 10 triệu đồng để hỗ trợ thiệt hại về nhà ở; di chuyển nhà ở nằm tại các vị trí có nguy cơ cao ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn; hỗ trợ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản; hỗ trợ thiệt hại về giáo dục, y tế; đảm bảo thông tuyến tại một số tuyến đường bị sạt lở cấp huyện.
Đồng thời, UBND huyện Mường Nhé đề nghị UBND tỉnh, Trung ương hỗ trợ huyện để khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian qua, ước tổng kinh phí khoảng 79,5 triệu đồng để xây dựng kè bảo vệ khu dân cư ở bản Yên xã Mường Toong, bản Tả Kố Khừ xã Sín Thầu và sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, sửa chữa, đảm bảo giao thông các tuyến đường cấp huyện. – ông Dế nói.