Kinh tế

Mường Khương (Lào Cai): Nhân lên giá trị cây chè

Bích Hợp 29/02/2024 - 15:30

(TN&MT) - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, diện tích đất sản xuất ít, nhưng trong những năm qua, Mường Khương được đánh giá là địa phương điển hình trong phát triển nông nghiệp song hành với giảm nghèo của tỉnh Lào Cai. Có được sự đổi thay này là nhờ phát huy vai trò của cây chè trong công tác giảm nghèo.

Để hiểu rõ hơn về việc phát huy vai trò của cây chè trong công tác giảm nghèo, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư huyện Mường Khương, Lào Cai xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết vai trò của cây chè trong công tác giảm nghèo ở Mường Khương?

Ông Giàng Quốc Hưng: Trong các cây chủ lực huyện Mường Khương đang tập trung phát triển để giúp người dân thoát nghèo thì mô hình trồng chè đã thể hiện “ý Đảng, lòng dân”, được cấp ủy, chính quyền vào cuộc, Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng rất mạnh mẽ. Cây chè có nhiều lợi thế để giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Cây chè rất hợp với khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng của Mường Khương. Cây chè cũng là cây thu hoạch lâu năm thích hợp cho phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trước đây đời sống kinh tế gia đình ở xã Nùng Vai còn gặp khá nhiều khó khăn bởi nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào ít nương rẫy trồng ngô, khoai, sắn.

mk-1.jpg
Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư huyện Mường Khương, Lào Cai.

Nhưng từ năm 2015, dưới sự tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, đồng thời nhận thấy người dân các xã lân cận như Bản Sen, Thanh Bình có thu nhập cao từ cây chè nên các gia đình tại xã Nùng Vai đã chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chè.

Đến nay, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có của ăn của để. Ví dụ như gia đình ông Giàng Seo Chu, trú tại thôn Cốc Lầy, Nùng Vai có 2ha trồng chè, trung bình hàng tháng cho thu nhập 10 triệu đồng. Từ hộ nghèo giờ gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá của xã Nùng Vai. Hay gia đình của anh Lý seo Dìn mỗi năm thu hoạch hơn 100 triệu đồng nhờ vào cây chè; gia đình chị Vàng Thị Súa cũng thu nhập 45-70 triệu từ cây chè… nhờ có cây chè nhà anh Dìn và chị Súa đã không còn trong hộ nghèo mà đã trở thành hộ khá của xã.

cay-che-1.jpg
Cây chè một loại cây chủ lực mang lại thu nhập trong phát triển kinh tế - xã hội giúp người dân huyện Mường Khương thoát nghèo.

Hiện nay, diện tích chè tại xã Lùng Vai là hơn 940 hecta, trong đó có khoảng 800 hecta đang trong giai đoạn thu hoạch, với sản lượng trung bình đạt gần 1.000 tấn búp tươi mỗi tháng, mang lại doanh thu gần 5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của Nùng Vai cũng giảm đáng kể, Nùng Vai có tỉ lệ hộ nghèo gần như là ít nhất của huyện Mường Khương.

Trong thời gian tới, huyện Mường Khương sẽ tập trung chuyển đổi nhiều loại cây trồng trong đó ưu tiên cho cây chè bởi theo nghiên cứu thì đây là cây trồng phí đầu tư không lớn (từ trồng đến thu hoạch khoảng 70 triệu/ha), trồng 1 lần cho thu hoạch vài chục năm.

Cây chè phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mường Khương nên cho chất lượng cao, khác biệt với các vùng chè khác, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thu thuận lợi.Cây chè thích ứng tốt với xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay, ít bị thiệt hại do nắng hạn, dông lốc.

Trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở chế biến chè, liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm chè búp tươi cho Nhân dân. Người trồng chè không phải lo đầu ra như các nông sản khác.

Cây chè nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình có thể cho năng suất 40 tấn/ha. Giá trị bình quân đạt 100 triệu/ha, thâm canh tốt, đúng kỹ thuật có thể đạt 250 triệu/ha.

Chính vì vậy, cây chè có thể coi là “chìa khoá” để giúp người dân có nguồn thu nhập cao, ổn định, chia tay với đói nghèo.

PV: Vậy trong quá trình đưa cây chè làm cây chủ lực trong công tác giảm nghèo. Huyện Mường Khương có gặp phải khó khăn thách thức gì hay không, thưa ông?

Ông Giàng Quốc Hưng: Trong kế hoạch chuyển đổi cây trồng Mường Khương lây cây chè là chủ lực để giảm nghèo, tuy nhiên khi phát triển cây chè chúng tôi cũng gặp nhiều thách thức khó khăn, đầu ra của sản phẩm bấp bênh, không ổn định, điệp khúc “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra.

Trình độ nhận thức của đại bộ phận Nhân dân còn hạn chế, sản xuất chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

cay-che-4.jpg
Người dân huyện Mường Khương tích cực hơn với công tác trồng chè bởi giá trị mà nó mang lại.

Địa hình của Mường Khương cũng là một trở ngại trong việc giao thương do giao thông còn chưa thuận tiện, nhiều đồi núi, nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhưng thổ nhưỡng lại không phù hợp…

PV: Trong thời gian tới Mường Khương có kế hoạch gì trong việc giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo nhờ phát huy các mô hình trồng chè, thưa ông?

Ông Giàng Quốc Hưng: Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, UBND huyện Mường Khương đã đề ra những giải pháp hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn triển khai thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy, hàng năm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp.

cay-che-3.jpg
Năm 2024 huyện Mường Khương phấn đấu trồng thêm 600ha chè.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Huyện đẩy mạnh việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, huyện chú trọng triển khai các chính sách đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến đối tượng là lao động nghèo.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mô hình trồng chè tại địa phương. Hiện tại tổng diện tích chè toàn huyện Mường Khương chúng tôi là 5.456 ha. Sản lượng đạt 32.000 tấn, giá trị trên 1ha chè cho thu hoạch 80-100 triệu đồng. Năm 2024 Mương Khương phấn đấu trồng mới 600 ha chè.

Huyện đang có 7 nhà máy chế biến với công suất chế biến khoảng 38.000 tấn chè búp tươi/năm. Toàn bộ sản lượng chè búp tươi sản xuất ra được tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các cơ sở chế biến liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực, tiềm năng cho Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút thêm 02 nhà máy chế biến chè (01 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm cao cấp từ chè).

Tập trung nguồn lực, đào tạo, tập huấn, trang bị cho nhân dân “kỹ thuật sản xuất nông nghiệp chính xác”, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các ngành hàng chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường.

cay-che-2.jpg
Mỗi ha chè xanh ngát của huyện Mường Khương( Lào Cai) cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp hợp lòng dân của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Khương và sự mạnh dạn trong công tác chuyển đổi cây trồng đó cây chủ lực thoát nghèo là cây chè. Năm 2023, huyện Mường Khương giảm được 923 hộ nghèo. Nếu như năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện 39,74% thì đến nay, qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 33,18%.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển những cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao đã giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng lên.

PV : Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Khương (Lào Cai): Nhân lên giá trị cây chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO