Mùi khét từ nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai: Người dân khốn khổ “chịu đựng”

Đức Hải - Nhật Lam| 23/09/2021 12:24

(TN&MT) - Thời gian qua, người dân xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn (Lào Cai) vô cùng bức xúc trước việc hàng đêm, mùi khói từ Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai bốc sang, gây khó chịu cho người dân trong sinh hoạt. Cây cối trồng cách Nhà máy hàng vài cây số cũng bị rụng trụi, hư hết. Đồng ruộng, dòng suối luôn “lo lắng” bởi nguy cơ sập bãi thải của Nhà máy xuống lúc nào không biết. Chính quyền xã Tân Thượng chỉ biết báo cáo lên huyện. Còn việc “xử” hay không lại chờ các ngành của tỉnh.

Đã đến lúc cần phải có chế tài nghiêm khắc với các Nhà máy gây ô nhiễm trước khi quá muộn.

“Mời cán bộ về ở thử một đêm”

Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường, ông T.V.N, nhà ở thôn Khe Thùng, xã Tân Thượng cho biết: Là người dân sinh sống ở đây lâu năm, từ hồi còn chưa có đường cao tốc, chưa có nhà máy nên ông N. hiểu lắm. Khu này, trước kia không khí trong lành. Nhưng kể từ khi Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai mọc lên cũng là lúc người dân sinh sống quanh vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông N. kể: Ban ngày thì Nhà máy không đốt gì cả. Nhưng cứ tầm chiều tối trở đi, khi màn đêm buông xuống, cái ống khói bằng gạch cao cao kia, nó mới bắt đầu “xì” ra. Mùi khét như than nhiều lưu huỳnh vậy. Nếu ngửi đúng làn khói thì chỉ một lúc là ngất ngay. Bà con ở đây dưới tầm thấp của ống khói, nên cứ ngớt gió, làn khói độc lại quẩn xuống là khốn khổ. Lúc này, chỉ có vào nhà đóng chặt cửa lại. Còn ló mặt ra, chỉ có hứng khói mà chết. Những ngày “mát gió”, khói bốc lên cao thì lại bay lên các thôn, bản người Dao ở phía trên. Đời sống bà con trên đó khổ lắm.

Trụ sở Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai

Để khẳng định thêm cho những phản ánh của mình là chính xác, ông N. đề nghị, nếu ai bảo Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai không ảnh hưởng đến môi trường không khí của người dân, thì cứ mời các ông ấy về ở trong thôn một đêm, hay đi kiểm tra khắp các thôn xem, xem thực tế như thế nào. Chứ để như vậy, chỉ có người dân chúng tôi là khốn khổ. Ông N. nhấn mạnh.

Rất nhiệt tình, PV được bà con địa phương dẫn thẳng ra khu chân bãi thải của Nhà máy. Phía trên, cả mấy vạn khối đá xít thải chất đống. Bờ tường quây bao quanh nhiều đoạn đã nứt, gãy và có nguy cơ đổ sập lúc nào không rõ. Anh T. - một người dân ở đây, vừa dẫn đường cho PV vừa kể: Dòng suối ở đây có nguy cơ bị vùi lấp nếu bãi thải kia đổ sập xuống. Cái trạm như chòi gác kia, thực chất là phía nhà máy lắp một cái máy bơm công suất lớn, hàng ngày họ hút nước từ suối lên, bơm vào trong phía Nhà máy, không rõ làm gì. Còn chiếc cống xả thải và bể chứa nằm ở sườn đồi phía bên kia.

Quan sát tại chân bãi thải trong mùi khó chịu bốc ra từ Nhà máy, PV nhận thấy những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở. Bãi thải chứa toàn đá xít, đang ngày đêm sụt lún dần và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Cột ống khói của nhà máy được xây cao lên hàng chục mét, bằng vật liệu chịu lửa.

Phóng viên Báo TN&MT tại hiện trường

Lãnh đạo xã: “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần rồi”

Rộng đường dư luận, PV đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Nhà máy, nhưng nhân viên bảo vệ gác ở đây cho biết: Hiện tại, do dịch bệnh nên lãnh đạo Nhà máy đều đi vắng. Có gì cứ alo cho Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc. PV đã gọi điện cho một lãnh đạo Nhà máy, nhưng người này không trả lời.

Trao đổi với PV, ông Chu Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng cho biết: Ông mới về nhận chức Chủ tịch UBND xã được 1 năm nay. Nhưng cũng đã làm một số văn bản báo cáo sự việc về ô nhiễm môi trường lên UBND huyện Văn Bàn. Vừa qua, một số hộ dân sinh sống trên địa bàn bị rụng hàng tấn hồng (1 loại nông sản đặc sản của địa phương). Bà con cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng ô nhiễm khi Nhà máy xả khói nên đã có đơn kiến nghị lên xã về vấn đề này. Xã đã có văn bản lên huyện báo cáo sự việc. Vì thẩm quyền của UBND xã có hạn, không có quyền kiểm tra Nhà máy, khi người dân cứ có ý kiến gì, xã đành phải báo cáo lên cấp trên. Cũng theo ông Hà, trước đó, thời Chủ tịch cũ cũng đã có kiến nghị về chuyện khí thải ra môi trường của Nhà máy này.

Bãi thải của Nhà máy ngay trên khu vực cánh đồng của người dân

Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn, Phó phòng Phạm Tiến Nam cho biết: Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai cũng đã từng bị xử phạt về ô nhiễm môi trường.

Qua điều tra PV được biết: Nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai trực thuộc Công ty CP phân lân nung chảy Lào Cai. Trong những năm qua, Nhà máy này liên tục bị xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Không chỉ “xì khói” ra gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh Nhà máy; mà ngay tại khu vực mỏ của Công ty này đang khai thác cũng thường xuyên bị người dân khiếu nại về việc mở đường lấp suối, vào khai thác quặng tại thôn Đoàn Kết, xã Tà Phời, TP. Lào Cai.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ vấn đề môi trường tại xung quanh khu vực nhà máy phân lân, cũng như có chế tài mạnh với những doanh nghiệp coi nhẹ lợi ích, đời sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùi khét từ nhà máy phân lân nung chảy Lào Cai: Người dân khốn khổ “chịu đựng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO