Nằm tại xã Đào Mỹ (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), đình Phù Lão được coi là một trong những ngôi đình cổ và có kiến trúc độc đáo bậc nhất Việt Nam. Qua bao thăng trầm của lịch sử và mưa nắng thời gian, ngôi đình này vẫn giữ được những vẻ đẹp cổ kính cũng như tinh hoa của những nghệ nhân dân gian xưa.
Nhân một chuyến công tác, chúng tôi có dịp mục sở thị nghệ thuật chạm khắc điêu luyện của ngôi đình cổ - vốn được người dân nơi đây coi là niềm tự hào to lớn. Ông Dương Nguyên Khuê, một bô lão ở thôn Tây Lò (xã Đào Mỹ) đã sôi nổi giới thiệu với chúng tôi về những di sản đặc sắc của ngôi đình này.
Một góc đình Phù Lão |
Theo đó, nét nổi bật nhất của đình Phù Lão chính là kỹ thuật chạm khắc tinh tế, phong phú theo lối “chạm lọng”. Tức là những hoa văn được khoét sâu vào lòng cây gỗ, sao cho hình nổi hẳn lên theo lối tượng tròn. Đây là kĩ thuật chạm khắc theo cách biểu cảm nhất, mang lại chiều sâu không gian và hiệu quả thẩm mỹ cao của những nghệ nhân dân gian thế kỉ XVII.
Quan sát kĩ sự sắp xếp những bức chạm khắc, ta thấy từng hình ảnh được phân bố rất hợp lí. Tùy vào chức năng và mức độ quan trọng của cảnh đó với đời sống xã hội mà người nghệ sĩ sẽ sắp đặt cho phù hợp. Ở gian giữa, người thợ tập trung mô tả những bức tranh như: Rồng chầu nguyệt, tranh tứ linh, tranh vẽ tiên, rồng ... Tính chất Nho giáo ở đây khá đậm đặc và thể hiện rõ tính quy chuẩn của nhà nước phong kiến.
Hình ảnh tiên và rồng được các nhà điêu khắc khai thác với đầy đủ những tư thế phóng khoáng, rõ nét từng phân cảnh. Từ hình ảnh rồng mẹ rồng con vây quanh một bà tiên có cánh cho đến cảnh rồng chầu nguyệt, long ly quy phụng sánh với tòa sen... ở phía trên nóc đình.
Thế nhưng, những bức chạm khắc càng ở xa, yếu tố dân gian càng nổi trội và chiếm lĩnh không gian cơ bản của ngôi đình. Từ bức hình nàng tiên tắm đầy táo bạo, cho đến cảnh hội hè của người dân Phù Lão xưa, cảnh xử án, rồi cảnh sinh hoạt vợ chồng, cảnh đánh ghen ... Tất cả được phản ánh một cách sâu rộng và đa dạng những sinh hoạt cộng đồng, từ những sinh hoạt gia đình, riêng tư cho đến những sinh hoạt chung. Bức tranh sống động, chân thực và đầy táo bạo đó đã được các nghệ nhân dân gian miêu tả đầy màu sắc và tinh tế.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ là nét đặc sắc trong kiến trúc ngôi đình này |
Tính phá cách trong nghệ thuật chạm khắc ở đình Phù Lão còn thể hiện ở sự xuất hiện đậm đặc những chi tiết, hình khối mang tính phồn thực. Cuộc sống sinh hoạt gia đình, cảnh ân ái vợ chồng, cảnh vui chơi, cảnh đánh ghen ... tất cả đều được thể hiện không e dè, đầy phóng khoáng. Có lẽ hiếm có ngôi đình nào có được sự phá cách mạnh mẽ như ngôi đình nơi đây.
Cũng theo ông Dương Nguyên Khuê, những bức chạm khắc tại đình Phù Lão còn biết … “kể chuyện”. Mỗi một bức điêu khắc trong đình đều ẩn chứa một câu chuyện thú vị. Cả ngôi đình, vì thế là một câu chuyện dài về lịch sử của một vùng đất văn hiến.
Nhìn vào khung cảnh xử án được chạm khắc ở nóc đình Phù Lão, người dân nơi đây cho rằng nó phản ánh câu chuyện bi thương về mối tình cô Lụa ở làng Phù Lão xưa. Chuyện kể rằng, cô là một người phụ nữ xinh đẹp, nết na nhưng trót yêu một người trai nghèo và có thai. Cô bị dân làng trừng phạt bằng cái chết bi kịch. Các nghệ nhân bằng trí tưởng tượng tuyệt vời đã chạm khắc nên một bức tranh toàn cảnh mô phỏng lại lễ giáo phong kiến. Từ hình ảnh cô Lụa bụng mang dạ chửa, bên cạnh là người mẹ đang ngồi xõa tóc. Hai ông hộ pháp người cầm đe, người mang búa tượng trưng cho hình phạt của lễ giáo phong kiến và rất đông dân làng tụ họp... Các nghệ nhân đã tài tình khắc khọa cả một xã hội thu nhỏ nơi làng quê Bắc Bộ, đồng thời thể hiện ước vọng được tự do yêu đương của nam nữ trong xã hội xưa.
Ông Dương Nguyên Khuê giới thiệu về nét đặc sắc của đình Phù Lão |
Bên cạnh câu chuyện nổi tiếng này, những bức chạm khắc nơi đây còn kể về người bỏ tiền ra xây dựng ngôi đình là vợ chồng Đào quận công hay phản ánh lịch sử, tự nhiên, xã hội của người dân Phù Lão xưa mà hình ảnh của nó vẫn thấp thoáng trong lễ hội làng diễn ra vào hai ngày 14, 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm.
Ông Mạc Đăng Niên, Phó ban quản lý di tích đình Phù Lão cho biết: “Theo những ghi chép để lại đến ngày nay, đình Phù Lão được xây dựng vào năm 1688, đời vua Lê Chính Hòa thứ 14. Đình tọa lạc trên một giải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng Phù Lão. Kiến trúc bên ngoài của ngôi đình được xây dựng theo thuật phong thủy. Trước mặt đình là một hồ nước rộng được tạo theo thuật tụ thủy, giữa hồ là nhà thủy đình có cầu dẫn, bắc ngang qua.
Từ hồ nước, đi một đoạn là tới nhà tiền tế rộng 3 gian án trước tòa đại đình. Đại đình ban đầu được xây dựng theo lối chữ nhất, gồm 7 gian với tổng chiều dài là 23m, chiều rộng là 12m. Mãi sau này, người ta mới xây dựng thêm hai gian hậu cung. Hình dáng của tòa đại đình trông giống như một chiếc nhà sàn của người miền Thượng, hai bên có lát sàn ván, gian giữa để lối đi ra vào theo kiến trúc kiểu chồng rường – giá chiêng và có các cánh cửa che nắng, che mưa. Phía bên trái đình là tấm bia tứ diện, ghi công bà Đào Thị Hiền, người trong làng đã bỏ tiền ra xây đình”.
Trải qua hơn 3 thế kỉ, đình Phù Lão vẫn giữ được nét mộc mạc, cơ bản về kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình cổ Việt, với những mảng chạm đặc sắc và rất sống động ... Với giá trị là một công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo, không chỉ riêng tỉnh Bắc Giang mà cũng hiếm thấy ở các ngôi đình truyền thống ở miền Bắc Việt Nam.