Ngày 5/6/1911, một người con ưu tú của dân tộc lấy tên Văn Ba rời bến Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche - Tréville bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Người thanh niên ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Trong hành trình 30 năm bôn ba qua 54 nước, làm 12 nghề khác nhau, thông thạo ít nhất 12 ngoại ngữ, Người đã tìm thấy ánh sáng tương lai cho dân tộc Việt Nam. Cùng với sự kiện sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã cùng Đảng ta lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Bắc Nam liền một dải.
Năm nay, chào mừng thắng lợi Đại hội XIII của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ long trọng kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước và kỷ niệm 45 năm Sài Gòn được vinh dự mang tên Người.
Sài Gòn, miền Nam là nơi sinh thời Bác tạm biệt Tổ quốc để đi xa. Là nơi Bác luôn đau đáu ngày thống nhất được trở lại thăm. Nhưng cho đến cuối đời, ước mơ ấy Người chưa kịp thực hiện…
|
Bác mất khi tôi - người viết bài này 7 tuổi. Năm 1981, lần đầu tiên tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh trong tư cách người lính chuẩn bị sang nước bạn cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế. Vừa trải qua gần 40 năm chiến tranh, đến ngày giải phóng, tưởng được đón hòa bình thì bè lũ phản động gây hấn ở biên giới, rồi bị cấm vận bao vây, nền kinh tế cả nước sa vào tình trạng đói kém. Dù có tên “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng ngày ấy thành phố rất nghèo. Tôi ấn tượng mãi khi ra sân bay Tân Sơn Nhất có công chuyện thì cái ba-ri-e ở cổng sân bay quốc tế này là một đoạn tre rất to màu vàng nhạt được người bảo vệ nâng lên hạ xuống bằng... dây dù!
Nhưng hôm nay so với hôm qua thì đúng là “một trời một vực”!
Bạn tôi - một nhà kinh tế, đã cho tôi xem những con số biết nói sau. Trong 10 năm, từ 1976 -1985, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố tăng bình quân 2,7%/năm. Sau 1986 mà khởi đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI với công cuộc Đổi Mới, thành phố bắt đầu khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế quốc gia. Nhiều năm liền, tăng trưởng kinh tế từ 10 đến 12%/năm. Đến nay, thành phố góp phần tạo ra khoảng 1/4 GDP cả nước, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, khoảng trên 30% tổng thu ngân sách quốc gia, hơn 18% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút 1/3 tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,05%, năm 2017 tăng 8,25%, năm 2018 tăng 8,3% và năm 2019 tăng 8,32%.
Sau giải phóng, thu nhập bình quân đầu người/năm chỉ đạt 360 USD (1976); năm 1985 là 444 USD; năm 1995 là 712 USD; 2005 là 1.656 USD; năm 2018 đạt hơn 6.000 USD/người/năm (gấp khoảng 2,3 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước). Đến năm 2016, thành phố đã không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (dưới 10,8 triệu đồng/năm).
Giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố tăng gấp 5 lần cả nước. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 15,72 triệu đồng năm 2008 lên 63,096 triệu đồng năm 2019. Đến nay, toàn thành phố đã có 54/56 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Một cán bộ Văn phòng Thành ủy theo dõi mảng văn hóa - y tế - giáo dục kể tôi nghe với giọng tự hào rằng, hiện thành phố có trên 40 trường đại học, cao đẳng với gần 21.000 giảng viên, trong đó, trên 17.000 giảng viên có trình độ sau đại học, trên 170 Giáo sư, khoảng 800 Phó giáo sư, trên 4.000 Tiến sĩ. Về công tác chăm sóc sức khỏe, năm 2019, số giường bệnh trên 1 vạn dân là 42,7 giường...
Vì sao thành phố có những con số ấn tượng với sự chuyển mình đáng kinh ngạc như vậy? Tự tìm hiểu, tôi thấy một điểm rất sáng là thu hút đầu tư. Như thỏi nam châm khổng lồ, thành phố “hút” vào cơ thể nó một lượng vốn cực lớn. Ngay chỉ trong năm 2019, đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD, đứng thứ 2 quốc gia, với 1.620 dự án. Tính đến hết năm 2019 thu hút trên 53 tỷ USD, chiếm trên 13% tổng vốn đầu tư của cả nước. Điều này góp phần lớn vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao trình độ lao động thông qua việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới. Thật tự hào khi thành phố đang triển khai thực hiện đề án phát triển trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh kinh tế số.
Bản thân người viết bài này, ngày 22/1/2021 được dự cuộc họp báo với sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong. Ai cũng rạo rực trước một viễn cảnh tốt đẹp, mới mẻ và sinh động. Đến năm 2025, thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của đất nước. Đến năm 2030 phải là thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 sẽ đạt khoảng 13.000 USD và trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á. Năm 2045 sẽ là một trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37.000 USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu... Một phóng viên hỏi những điều ấy dựa trên căn cứ nào. Không trả lời thẳng, vị Chủ tịch giới thiệu ngay từ năm 2017, thành phố đã công bố và thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025”, hiện đang triển khai 4 trụ cột lớn: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; Phát triển trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Xây dựng trung tâm an toàn thông tin. Đến nay, Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) đã hoạt động trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các Sở, ngành. Điều ấy phần nào chứng minh những viễn cảnh nêu trên hoàn toàn có tính khả thi. Riêng tôi chắc chắn, với những thành tựu đạt được và các Danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, “Huân chương Sao vàng” (2 lần) thì tương lai kia là rất gần!
Mỗi cuộc cách mạng có thể ví như con chim đại bàng bay trên đôi cánh lòng dân và đường lối đúng đắn. Đường lối Đảng ta khoa học, biện chứng là ánh sáng chỉ đường. Lòng dân ta yêu nước hòa cùng ý Đảng. Để biết lòng dân thế nào, cách tốt nhất là đến với họ. Tôi chọn xuống với Thủ Đức, nơi một thời đóng quân, hơn nữa địa bàn vừa lên thành phố, nhiều cái mới chắc cũng nhiều cái phức tạp.
Tôi được gặp bà Thái Mỹ Diện, Phó Chủ tịch HĐND TP. Thủ Đức. Bà cho biết thành phố đã đưa 360 khu vực bỏ phiếu lên bản đồ để cử tri thuận lợi theo dõi. Danh sách cử tri sẽ được niêm yết vào đúng ngày quy định. Theo bà, mọi việc không có gì khó khăn mà rất thuận lợi, suôn sẻ vì được dân tin, dân đồng tình, dân ủng hộ. Đem những điều bà nói trao đổi với người đồng đội chí cốt - nay là công dân “thành phố trong thành phố”, anh gật đầu, khuôn mặt bừng sáng vẻ hãnh diện. Cái gật đầu dứt khoát vẫn như xưa, thời anh và tôi “chia lửa” ở chiến trường K. Tôi tin, hơn 9 triệu dân TP.HCM cùng một kiểu gật đầu và nụ cười giống anh...!!! Hôm nay, quay lại chào anh, tôi thấy cả Thủ Đức một trời cờ hoa lộng lẫy!