Thu trong lòng thành phố không dễ nhận ra bằng hương ổi chín, bằng cơn gió se lạnh, bằng ao nhỏ thuyền câu như làng quê bình dị thuần phác. Nhưng thành phố vẫn có thu, vẫn đón thu theo cách của riêng mình, trong những góc nhỏ, những không gian đầy chất phố.
Hồ giữa quảng trường ăm ắp đầy nước sau những cơn mưa. Nước không đục mờ như mùa hạ. Con nước lên không làm người qua lại giật mình sợ hãi. Cả bầu nước hiền hoà mênh mang phơi dưới nắng thu in hình trời xanh mây trắng. Đây đó người buông câu tìm cá. Những chiếc ô đủ màu. Những chiếc cần thẳng tắp. Người thư thả ngồi đợi cá ăn mồi, ly trà bớt khói, bàn cờ dở nước đi, đủng đỉnh câu chuyện hôm qua khiến ngày trôi đi chậm chạp. Bất chợt, một cánh vạc vút lên giữa đầm nước tôm cá đủ đầy.
Con đường ra phố xanh mềm như một bài thơ. Cây bồ đề vững chãi xoè ra nghìn mắt lá. Những chiếc lá lấp lánh như mắt cười dưới nắng thu. Đã qua rồi mùa hè non tơ, lá bồ đề mùa thu xanh rười rượi. Dưới gốc cây xù xì, miếu nhỏ thoảng mùi hương trầm bay. Trong hương hoa vật phẩm bày ra vàng tươi hoa cúc. Mùa thu theo vào lòng hoa cúc, thuộc về hoa cúc từ bao giờ dù bây giờ hoa cúc đã vàng cả bốn mùa. Hoa cúc trong phố gợi nhớ khuôn mặt những làng hoa trù phú của Tiền Phong hay Đống Đa. Những người mẹ người chị tần tảo gánh hoa, chở hoa theo mùa vào phố. Mùa nào hoa ấy. Hoa rực rỡ trên những bàn tay chai sần, bên những gương mặt rám nắng của người bán. Hương hoa quấn quýt theo người mua về nhà. Mỗi gánh hàng hoa như một bức tranh thu với bao mảnh ghép tinh khôi đầy màu sắc. Hoa sen hồng, sen trắng níu chút mùa hạ. Thạch thảo tím dịu lòng bên đủ sắc vàng sặc sỡ của thiên điểu, hướng dương, đồng tiền, hoa hồng. Nhiều nhất vẫn là cúc, đủ loại: Mâm xôi, vạn thọ, đồng tiền, bất tử, chi điểm, hoạ mi... Loài hoa cúc trường tồn với thời gian, cứ vào thu là ngời rực đầy kiêu hãnh.
Những gánh hàng bán rong trên phố khiến ai dõi mắt nhìn cũng thấy ùa về trong lòng một mùa xưa thân thuộc. Bao loại quả của mùa thu, của quê hương xa gần bày ra trên mẹt, lấp ló trong thúng. Bưởi, hồng, thị, nhãn, mít, na,… Những thức quả quê vẫn đều mùa ra phố. Mẹt quả thị sáp vẫn thu hút mọi ánh nhìn của người già trẻ nhỏ hay thiếu nữ thị thành. Loại quả gắn liền với mùa thu ấy đã ướp thơm nếp cảm nếp nghĩ của bao người. Mỗi khi sắc da thị ửng vàng thì mùa thu đã đến. Mỗi mùa thị chín nhiều người phố gốc gác nhà quê thấy mình nôn nao nhớ về cây thị làng xa, nhớ về tuổi thơ xưa rợp hương trái thị. Quả thị đi ra từ truyện cổ tích, vẻ đẹp gắn với mộc mạc thảo thơm, với ước ao hạnh phúc. Người phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vốn quen với mấy cây thị cổ thụ trên đồi cao. Mùa thu lên đồi cao ngóng mắt lên giữa bao nhiêu là xanh biếc lấp ló màu vàng tươi của trái thị. Thị chín tỏa hương vào gió thu. Từ xa đã có thể cảm nhận hương thơm đặc trưng mời gọi. Nhưng đâu dễ trèo hái vì cây quá to, vì sự uy nghiêm thần bí tỏa ra từ những tán lớn mà lũ trẻ con chỉ có thể ngửa cổ đợi thị rụng, thị rơi. Cũng có đứa đứng dưới gốc kéo vạt áo lẩm nhẩm đọc câu đồng dao quen thuộc: “Thị ơi thị rụng bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Đứa cười váng lên trước lời khấn nhuốm màu cổ tích dân gian. Đứa nhanh nhẹn mắm môi ôm chặt gốc thị đầy mắt mà rung.
Bởi cây thị đồi cao không ra đều trái nên những gánh hàng rong lấp đầy vào phần thiếu vắng đó. Quả mùa thu còn có na Bồ Lý, Đại Đình mở căng trắng mắt, dứa Tam Dương vào mật ngọt thanh, hồng vàng, hồng đỏ nằm thảnh thơi bên bưởi, đu đủ, chuối tiêu hồng đất bãi. Thành phố vốn nhộn nhịp, đông đúc như chậm lại bên gánh hàng rong len lỏi khắp những con phố.
Đầu thu, màu áo trắng học trò quấn quýt sân trường. Sau ba năm tạm lắng vì dịch bệnh, năm nay trường nào cũng rộn rã đón học sinh xa trường trở về. Hội lớp, hội khoá, những cuộc gặp gỡ của thanh xuân khiến ngôi trường vắng lặng suốt mùa hè vang vọng những thanh âm kỉ niệm. Nhanh thì mười năm, lâu thì ba mươi năm nên ai cũng náo nức. Cuộc gặp mùa thu có nỗi bâng khuâng trở về trường xưa, bùi ngùi gặp lại thầy cô cũ; cũng có sự tíu tít, hân hoan tái ngộ bè bạn sau nhiều năm xa cách. Vẫn tìm lại ghế đá, hàng cây và những trò nghịch dại. Vẫn tiếng hát hội ngộ sau bao cuộc chia tay và cả lời hẹn ước mùa thu sau. Các cô cậu học trò vừa hết lớp mười hai đã chọn cho mình con đường bước tiếp vào hành trình phía trước. Lớp học trò đàn em lại tất bật chuẩn bị bút mực, sách vở cho mùa khai trường. Mùa thu là mùa thơm trang sách mới, chỉ đợi tiếng trống trường đầu thu vang lên là năm học mới bắt đầu.
Những gian hàng bánh trung thu lác đác còn. Mới tuần trước thôi, mỗi thương hiệu góp vào một sắc màu, một hương vị đặc trưng đầy hấp dẫn. Trước nửa tháng tới Tết Trung thu mà nhiều nhà đã có thói quen mua bánh, thưởng thức bánh từ trước. Chị tôi vốn khéo tay chỉ trông đến mùa thu để trổ tài làm bánh. Cái thứ bánh nướng bánh dẻo làm theo phương pháp cổ truyền, không chất bảo quản và phụ gia để giữ nguyên hương vị mang đến sự khác biệt, khiến cho gian bếp mùa thu hiện đại, trang nhã toả hương thơm quyến rũ với bao nhiêu nguyên liệu đẹp mắt,… Vĩnh Yên chưa có thương hiệu bánh trung thu riêng cho thành phố. Thế nhưng trong nhiều gian bếp ấm cúng vẫn có những bàn tay người mẹ người vợ khéo léo tự làm bánh theo khẩu vị gia đình, mày mò làm bánh theo đúng vị xưa. Để những chiếc bánh không chỉ xuất hiện một lần vào trung thu mà nối nhau hiện diện trong nhà cả tháng trước đó. Nó khiến cho mùa thu trong lòng thành phố dường như đến sớm hơn…
Chiều cuối ngày, gió thu mát rượi thổi dài qua từng góc phố. Bên chén chè nức hương hoa cúc, chị tôi bày đĩa hồng giòn, cắt chiếc bánh nướng để dành từ rằm, chiếc bánh vừa ngấu thời gian, thơm thoang thoảng mùi lạp xường, dậy mùi lá chanh và vỏ quýt ủ hương. Cạnh đó, chiếc bình gốm Hương Canh cắm khéo léo những cành thị, cành na trĩu quả, nguyên lá. Màu nâu trầm của gốm tôn lên màu xanh của na, màu vàng óng của quả thị. Thưởng thức miếng bánh nướng ngầy ngật béo bùi cùng chén trà thu dậy khói thơm nghi ngút, câu chuyện giòn tan đậm đà phong vị mùa thu, trong tiếng hát nhè nhẹ da diết vang lên từ chiếc cát-xét cổ. Chỉ thế thôi, mùa thu Vĩnh Yên đã hiển hiện thật rõ nơi đây, dừng lại ở góc nhỏ, phố nhỏ yêu thương này. Chả có gì liên quan tới Hoàng Liên, nhưng trong tôi, hai câu thơ quen thuộc cứ trở đi trở lại:
Mùa thu dừng lại ở Vĩnh Yên
Để một mình tôi nhớ Hoàng Liên.