Bất động sản

Mua căn hộ vùng ven thời đỉnh giá: Nhà đầu tư chật vật thoát hàng

Thục Vy 28/08/2023 - 18:12

(TN&MT) - Thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) còn nóng sốt, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã đổ về thị trường các tỉnh ven TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đầu tư nhà đất, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Nay họ phải chấp nhận giảm giá để thoát hàng do áp lực tài chính, hay tái đầu tư danh mục khác, thậm chí do chủ đầu tư ì ạch không chịu giao nhà.

img_1789.jpg
Nhiều NĐT chật vật thoát hàng trong thời điểm thị trường BĐS khó khăn về thanh khoản

Dù không bị áp lực phải trả nợ vay nhưng anh Nam (quận 12, TP.HCM) cũng chấp nhận bán lỗ căn hộ chung cư tại TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) hơn 200 triệu đồng. Anh Nam cho biết: "Đầu năm 2019, tôi đã xuống cọc một dự án căn hộ cao cấp tại phường Hòa Đông, TP Dĩ An với dự định để cho con trai ở khi vào đại học. Hè năm nay con trai tôi đã trở thành tân sinh viên, nhưng dự án tôi mua mới ì ạch xây tới tầng 9. Chán ngán cảnh tiền vẫn đóng mà nhà thì chưa biết khi nào nhận, nên tôi quyết định bán căn hộ. Dù nhờ nhiều môi giới rao bán và bản thân tôi cũng đăng bán trong nhiều hội nhóm, nhưng gần 2 tháng trôi qua vẫn chưa bán được".

Cũng như như anh Nam, năm 2019, nghe theo lời tư vấn của bạn bè, chị Hằng (TP. Thủ Đức, TP.HCM) mua một căn hộ tại một dự án ở QL 13, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương để đầu tư. Đây từng là dự án “hot” nhất nhì Bình Dương thời điểm đó. Trước đó, chị Hằng chưa từng đầu tư BĐS và cũng không am hiểu nhiều về thị trường. Lý do khiến chị quyết định chọn dự án trên là bởi nó được quảng cáo rất rầm rộ, phát triển bởi doanh nghiệp lớn và kỳ vọng sinh lời cao.

“Dù là mua đợt đầu mà giá bán đã hơn 40 triệu đồng/m2, nghĩ ít nhất sau này khi nhận nhà nếu không bán được ngay, cũng có thể cho thuê từ 10-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên thực tế, nhà vẫn chưa nhận được mà tiền lãi ngân hàng vẫn đóng đều đặn nên tôi buộc phải cắn răng cắt lỗ. Tuy nhiên, thời điểm này thị trường đang khó khăn về tín dụng, rớt thanh khoản nên rất khó tìm được khách mua. Hơn nữa, căn hộ của tôi thuộc địa bàn tỉnh, dự án lại có quá nhiều căn hộ nên rất kén chọn tệp khách hàng”, chị Hằng cho hay.

Không rơi cảnh đợi nhà như anh Nam hay áp lực trả lãi suất mua nhà như chị Hằng, anh Hùng (quận Gò Vấp, TP.HCM) chỉ muốn thu hồi tiền để cơ cấu lại kế hoạch đầu tư. Anh Hùng cho hay: "Thời điểm 2021, tôi bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng mua căn hộ tại dự án ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An để đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2022 thị trường BĐS rơi vào cảnh ảm đạm, căn hộ tôi mua không hề lên giá, trong khi tiền thì vẫn đóng đều. Thấy không hiệu quả, nên tôi quyết định bán để thu hồi vốn, dù biết thời điểm này rất khó để ra hàng".

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, trong bối cảnh thị trường BĐS hiện đang gặp khó khăn về tín dụng, tụt giảm thanh khoản, lệch pha cung - cầu…, nhiều NĐT đang thật sự đuối sức. Thời điểm này, nhiều NĐT đang phải cơ cấu lại danh mục. Những người sử dụng vốn vay nhiều áp lực phải bán ra, thậm chí có người vì chán cảnh chủ đầu tư thi công dự án ì ạch cũng chấp nhận bán lỗ sản phẩm… Ngoài ra, giá bán cao trong khi nhu cầu ở thực lại không có cũng là những lý do nhiều nhiều NĐT khó thoát được hàng.

Đơn cử, giá bán cao là một yếu tố khiến căn hộ Bình Dương khó thoát hàng thứ cấp. Theo tìm hiểu, giai đoạn từ 2018-2019, Bình Dương có hơn 18 dự án căn hộ mới được ra mắt, cung cấp khoảng 14.000 căn cho thị trường. Số lượng dự án của 2 năm này cao hơn cả tổng nguồn cung của Bình Dương trong 10 năm trước đó. Giá bán từ 18-23 triệu đồng/m2 tăng lên trung bình 25-30 triệu đồng/m2.

Đến giai đoạn 2020-2021 thị trường căn hộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương chiếm đến 35% tổng nguồn cung căn hộ của khu vực phía Nam với gần 20.000 sản phẩm được chào bán. Tính riêng trong 5 năm, nguồn cung căn hộ Bình Dương có gần 40.000 sản phẩm tập trung chủ yếu ở TP Dĩ An, TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một, trong đó đa số căn hộ có giá bình quân từ 35-45 triệu đồng/m2. Thời điểm này, giá bán có dấu hiệu giảm từ 10-20% trên thị trường thứ cấp.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, trong thời gian qua, TP.HCM thiếu hụt nguồn cung BĐS vì nhiều lý do như vướng mắc về pháp lý dự án, quỹ đất trong nội đô thành phố ít và khó. Trong khi đó, việc xây dựng và phát triển một dự án BĐS ở thành phố mất nhiều thời gian hơn. Chính vì điều này, một số chủ đầu tư bắt đầu tìm tới khu vực tiệm cận thành phố để tìm quỹ đất, xây dựng và phát triển dự án. Trong đó, Bình Dương, Đồng Nai và Long An là 3 vùng được các NĐT quan tâm vì gần với TP.HCM và giao thông kết nối đồng bộ. Các dự án ở vùng giáp ranh cũng được nhiều NĐT săn đón, đặc biệt là địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, mặc dù là thị trường có tiềm năng lớn nhưng các tiện ích, dịch vụ cho cư dân ở nhiều khu dân cư tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng, dẫn đến không thu hút được cư dân đến sinh sống. Cùng với đó, lượng lớn khách mua căn hộ thời “đỉnh giá” giai đoạn 2018-2020 là nhà đầu tư mua với mục đích sang tay kiếm lời chứ không phải mua để ở. Chính vì tập trung vào lượng khách đầu tư khiến nhiều dự án BĐS tại đây lao đao khi dòng tiền đứt mạch. Làn sóng thoát hàng diễn ra lúc thanh khoản khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua căn hộ vùng ven thời đỉnh giá: Nhà đầu tư chật vật thoát hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO