Mùa... "cam đắng"

30/03/2017 00:00

(TN&MT) - Được mùa, mất giá là tình trạng chung của nhiều loại nông sản, hoa quả tại Việt Nam. Tuy vậy, do sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Tuyên Quang, họ đã cố tình “ém” cam lại mà không chịu thu hoạch đúng niên vụ dẫn tới cam rụng hàng loạt, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Cam rụng vàng gốc đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nông dân
Cam rụng vàng gốc đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nông dân

Cây cam giúp thoát nghèo

Sau một thời gian biến động mạnh về diện tích và năng suất, thực hiện đề án phục hồi phát triển cây cam, quýt của UBND tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang đã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phục hồi và phát triển cây cam. Đến năm 2016, Bắc Quang trồng mới 523,6 ha, nâng tổng diện tích cây cam, quýt trên địa bàn huyện lên 5.229,6 ha, diện tích cho thu hoạch đạt 2.103,3 ha.

Năm 2016, huyện Bắc Quang có 836 hộ/10 xã, thị trấn đăng ký sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích 927,2ha. Huyện đang phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản rà soát, thẩm định để cấp Giấy chứng nhận VietGap cho các hộ.

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Quang, năng suất cam sành niên vụ 2016 ước đạt 11,2 tấn/ha, cao hơn so với cùng kỳ 0,2 tấn/ha, sản lượng cam ước đạt 23.557 tấn. Với giá bán trung bình tại các vườn cam ước đạt từ 10.000 - 12.000đ/kg đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình hàng tỷ đồng. Cây cam sành đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giúp nhiều người dân trên địa bàn của huyện Bắc Quang vươn lên thoát nghèo.

Năm 2016, người trồng cam tỉnh Hà Giang đón nhận tin vui khi cam sành được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Sự kiện này, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm cam sành, bởi nó mang lại nhiều lợi ích, từ phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm cho đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) năm 2016, diện tích cam sành đạt 7.022 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm đạt 4.065ha. Theo ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hàm Yên, vụ cam năm 2016 được mùa, sản lượng đạt 107.000 tấn tăng gần gấp đôi so với năm 2015, giá trị thu nhập trên 700 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hàm Yên đang nhân rộng mô hình sản xuất cam sành theo quy trình VietGAP. Trong năm 2015, 2016, đã cấp 9 Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 129,7 ha, 55 hộ tham gia, kinh phí hỗ trợ 897,750 triệu đồng. Từ đó, mẫu và chất lượng quả cam đã từng bước được nâng lên.

Đến 31/12/2016, huyện Hàm Yên có 144 trang trại trồng cam có thu nhập bình quân từ 700 triệu - 1 tỷ đồng. Từ trồng cam mà nhiều hộ thoát được nghèo, vươn lên trở thành triệu phú.

Hiện, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưu chuộng. Đặc biệt, cam sành Hàm Yên bước đầu đã tiếp cận sang thị trường Lào, Campuchia.

Và cam… đem “vị đắng”

Cam được mùa, mất giá thỉnh thoảng lại đeo bám người dân trồng cam nơi đây, bà Lý Thị Điệp, ở xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) xót xa cho biết, gia đình có hơn 4 ha cam (chủ yếu là cam sành). Vụ cam năm 2016 cho sản lượng hơn 100 tấn, trước Tết bà mới bán 25 tấn, sản lượng còn lại bà để cuối vụ với mong muốn bán giá cao hơn. Tuy vậy, trận mưa ngày 8 - 9/3 vừa qua đã làm rụng khoảng 20 tấn cam. Theo bà Điệp, 20 tấn cam bị rụng thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, giá cam bán ra tại vườn năm nay còn thấp hơn từ 4 - 5.000đ/kg.

Còn theo bà Bùi Thị Kim Yến, cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Hảo cho biết, Vĩnh Hảo có 861 ha cam với sản lượng 6.000 tấn, trước và sau Tết người dân đã bán 3.000 tấn. Mới đây, trên địa bàn xã có trận mưa làm rụng 1.500/3.000 tấn cam còn lại. Cũng theo bà Yến, có gia đình rụng tới 130 tấn cam. Cam rụng sẽ gây không ít khó khăn cho người nông dân.

Theo báo cáo nhanh thiệt hại do thiên tai của huyện Bắc Quang, (Hà Giang), từ ngày 10/3 - 18/3/2017, tại một số xã trên địa bàn huyện có mưa nhỏ rải rác. Mưa là nguyên nhân làm cho một khối lượng lớn quả cam đang treo trên cây bị rụng gây thiệt hại cho nhân dân. Theo thống kê nhanh, có 5 xã với 354 hộ, còn khoảng 7.850 tấn cam, đã bị rụng khoảng 3.854 tấn. Trong đó, xã Vĩnh Hảo bị rụng 1.500 tấn, xã Tiên Kiều 1.960 tấn, xã Việt Hồng 320 tấn, Đồng Tâm và Đồng Tiến rụng 74 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Phòng NN&PTNT huyện Bắc Quang lý giải: Hiện, đã cuối tháng 3, cây cam đang ra hoa, ra lộc chuẩn bị cho một chu kỳ thu hoạch mới. Trong khi quả cam đã chín chính vụ vào thời điểm tháng 12 năm trước và tháng một năm sau. Đến nay, hầu hết các quả cam đã bị khô cuống khi gặp nước mưa sẽ rời ra. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cây.

Cũng theo ông Trung, vụ cam năm 2016 là năm được mùa (tăng 20 sản lượng so với năm 2015) cũng là một nguyên nhân khiến nhiều hộ dân giữ lại cam với sản lượng lớn. Tuy là được mùa nhưng giá bán cam lại có phần thấp hơn năm 2015. Cụ thể, giá cam đầu mùa bán ra từ 8 - 10.000 đồng /kg; giữa tháng 12/2016 bán ra từ 6 - 8.000 đồng/kg; về sau tăng lên hơn 10.000 đồng/kg. Hiện, giá bán từ 15 - 16.000 đồng/kg (cùng thời điểm này năm 2015 đang bán từ 20 - 22.000 đồng/kg).

Tại huyện Hàm Yên cũng xảy ra tình trạng cam rụng tương tự. Theo ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết, trước khi xảy ra mưa ngày 15 và 16/3, Hàm Yên còn 4.000/107.000 tấn cam chưa thu hoạch. Bị ảnh hưởng của mưa nêm cam bị rụng từ 200 - 300 tấn, thiệt hại khoảng 3 - 4 tỷ đồng.

Trước đó, huyện cũng đã khuyến cáo người dân, các chủ vườn nên thu hoạch đúng thời vụ nhưng một số hộ vẫn để lại cam với ý định cuối vụ giá cam sẽ tăng cao.

Như vậy, được mùa mất giá có thể dễ hiểu và thông cảm được, nhưng việc người dân cố tình không thu hoạch cam để bán đúng vụ, vừa ảnh hưởng tới chất lượng cam, năng suất cam cho vụ sau, lại bị thu thiệt đủ đường. Thiết nghĩ, UBND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân nên thu hoạch cam đúng niên vụ để không bị thất thu và có chính sách hỗ trợ giá, thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.

Lê Xuân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa... "cam đắng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO