Lĩnh vực tài nguyên môi trường
Định mức kinh tế-kỹ thuật kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm viễn thám
Ngày 30/10/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Thông tư 13/2020/TT-BTNMT về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm viễn thám.
Cụ thể, định mức kinh tế-kỹ thuật áp dụng đối với các sản phẩm viễn thám sau: Ảnh viễn thám 1A; Ảnh viễn thám 2A; Ảnh viễn thám 3A; Ảnh viễn thám 3B; Đo khống chế ảnh viễn thám; Thành lập Bản đồ chuyên đề bằng ảnh viễn thám tỷ lệ 1:5000; 1:10000; 1:500000; 1:1000000; Công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định thời gian lao động cần thiết để thực hiện bước công việc, đơn vị tính là công cá nhân hoặc công nhóm/đơn vị sản phẩm. Thời gian làm việc một công là 8 giờ, riêng trên biển là 6 giờ. Định mức vật liệu quy định số lượng vật liệu cần thiết sử dụng để kiểm tra, nghiệm thu chất lượng một sản phẩm viễn thám. Mức vật liệu có giá trị thấp chưa được quy định trong các bảng định mức vật liệu được tính bằng 8% mức vật liệu.
Ngoài ra, định mức thiết bị quy định thời gian cần thiết người lao động trực tiếp sử dụng thiết bị để kiểm tra, nghiệm thu chất lượng một sản phẩm viễn thám. Đơn vị tính là ca/đơn vị sản phẩm. Thời gian sử dụng thiết bị là thời gian sử dụng thiết bị vào hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường, phù hợp với các thông số kinh tế-kỹ thuật của thiết bị.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2020.
Chủ nhiệm đề án khoáng sản phải kiểm tra chất lượng 100% các hạng mục
Từ ngày 18/12/2020, Thông tư 26/2019/TT-BTNMT Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Chủ nhiệm đề án về khoáng sản và Thủ trưởng đơn vị thi công có trách nhiệm tự kiểm tra 100% khối lượng các hạng mục công việc. Trong đó, Chủ nhiệm đề án phải chịu trách nhiệm về chất lượng thi công các hạng mục và phải tiến hành kiểm tra, đánh giá, xác nhận chất lượng trực tiếp tại các tài liệu, sản phẩm. Thủ trưởng đơn vị thi công chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận khối lượng các hạng mục thi công.
Việc kiểm tra nói trên phải bao gồm các nội dung: Kiểm tra về kế hoạch, tiến độ, khối lượng thực hiện đề án, dự toán; Tuân thủ các quy định kỹ thuật về trình tự thi công, chất lượng thực hiện các hạng mục công việc; Chất lượng thju thập, thành lập tài liệu, sản phẩm; An toàn lao động trong thi công… Việc kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên trong quá trình thi công để phát hiện các sai sót và đề xuất khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Thông tư này làm hết hiệu lực Thông tư 11/2009/TT-BTNMT và Thông tư 66/2014/TT-BTNMT.
Lĩnh vực khác
Báo chí có thể bị đình chỉ hoạt động đến 12 tháng
Từ 1/12, Nghị định 119/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản sẽ có hiệu lực. Trong quy định tại nghị định lần này, có nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh như mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.
Cụ thể, nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng; trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị phạt 50 - 70 triệu đồng; đối với trường hợp gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng.
Cả ba trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động 1 - 12 tháng.
Nghị định cũng quy định cụ thể về trường hợp cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi. Trong đó, cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng nếu không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi hoặc cải chính,…
Người thừa kế có quyền khiếu nại
Nghị định 124/2020 về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại sẽ chính thức có hiệu lực từ 10-12.
Theo đó, Nghị định quy định người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại.
Người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực
Có hiệu lực từ 20/12, Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau hai lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm…