Môi trường làng nghề Hà Nội: Bao giờ đổi thay?

08/12/2015 00:00

 (TN&MT) - Mặc dù, thành phố Hà Nội đã dành nhiều kinh phí đầu tư để cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm, thế nhưng, những nỗ lực của chính quyền vẫn như “muối bỏ bể”. Ðến nay, ô nhiễm tại các làng nghề vẫn đáng báo động.

Chưa có hệ thống xử lý nước thải

Chỉ tính từ năm 2010 - 2015, Hà Nội đã có thêm 70 làng nghề. Sự phát triển nhanh của các làng nghề khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV ngày 3/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã thừa nhận: Phân tích chất lượng môi trường, quan trắc tại 22 làng nghề với tần suất 2 đợt/năm cho thấy, hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, thải thẳng ra môi trường... Có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có chỉ tiêu quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 9.200 lần so với quy chuẩn.

Tại các làng nghề chế biến, sản xuất mì gạo, bột sắn dây, miến dong ở 3 xã nằm bên bờ sông Đáy là Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai (Hoài Đức), trung bình mỗi ngày các hộ sản xuất, chế biến tinh bột xả 13.000 m3 nước thải. Toàn bộ khối lượng nước thải được xả thẳng ra môi trường không hề qua xử lý.  Ngoài ra, 2 xã Phú Diễn và Thượng Cát của huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Diễn và phường Cát Thượng, quận Bắc Từ Liêm) có nghề sản xuất đậu phụ và tình trạng nước thải từ sản xuất đậu phụ đến nước thải từ các chuồng lợn cũng đổ ra hệ thống cống chung của xã bốc mùi hôi và ô nhiễm.

Ô nhiễm tại các làng nghề vẫn đáng báo động. Ảnh: MH
Ô nhiễm tại các làng nghề vẫn đáng báo động. Ảnh: MH

Ở huyện Từ Liêm (nay là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) còn một số làng nghề sản xuất bánh kẹo, mứt, ô mai, nghề làm dây ni-lon, sản xuất nhựa tái chế, nghề dệt vải... cũng trong tình trạng nước thải từ quá trình sản xuất các sản phẩm đó đều thải trực tiếp vào hệ thống cống thoát nước chung, hay các ao hồ của xã rồi đổ ra các sông.

Nguồn nước thải từ các làng nghề kéo theo nhiều dầu mỡ và các chất hóa học không qua xử lý khiến chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại những xã này, hàm lượng COD vượt tiêu chuẩn cho phép 3 - 4 lần, hàm lượng dầu mỡ lên tới 2,2 mg/l so với tiêu chuẩn cho phép là 0,3 mg/l.

Đã có những biện pháp giảm thiểu

Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP đã ưu tiên ngân sách cho sự nghiệp môi trường (chi cho môi trường chiếm 2 - 3% tổng chi ngân sách), chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề. Một số dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai thực hiện gồm: Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, Hoài Đức với công suất 13.000m2/ngày đêm xử lý nước thải cho làng nghề 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai. Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức; Dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai...

Bên cạnh đó, UBND TP xử lý và di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch. Hà Nội đã rà soát, lập danh mục cơ sở thuộc 17 ngành ngề gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch, hướng dẫn, làm thủ tục cho 41 doanh nghiệp di dời, xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý các vấn đề môi trường.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, mới đây, UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương đã chọn Tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc, một DN nhiều kinh nghiệm xử lý môi trường để thực hiện các dự án xử lý chất thải cho Hà Nội. Hiện Tập đoàn này đang phối hợp Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án xử lý ô nhiễm các làng nghề tại Hà Nội. Nếu không có gì thay đổi và công tác chuẩn bị suôn sẻ, đầu năm 2016, dự án mẫu xử lý chất thải của Tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc sẽ bắt đầu tại một làng nghề ở Hà Nội. Sau đó, dự án lần lượt đến các làng nghề khác. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.

Quyết liệt hơn trong giai đoạn tới

Giải pháp căn cơ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề là quy hoạch cụm, khu làng nghề, trong đó, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư và phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, thời gian tới Hà Nội sẽ sớm hoàn thành xây dựng và phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;” quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư.

Để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ngày 19/11, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 8064/VP-TNMT yêu cầu các Sở, ngành liên quan thẩm tra, đóng góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch của thành phố.

Theo dự thảo này, từ năm 2016, đưa các điều kiện vệ bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề, thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2016. Rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các làng nghề đã được công nhận, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng các điều kiện vệ bảo vệ môi trường, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, tình hình xử lý chất thải tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, công khai thông tin về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề…

Ngoài ra, sẽ tiến hành điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố theo 8 loại hình sản xuất (Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong 2 năm (2016 - 2017). Hoàn thành việc điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện…

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường làng nghề Hà Nội: Bao giờ đổi thay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO