Theo kế hoạch, năm 2021 huyện Yên Mô sẽ trồng 85.000 cây các loại (cây phân tán, cây xanh, cây rừng). Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được trên 65% kế hoạch. Trong đó, cây đô thị được huyện đưa vào trồng nhiều, tạo diện mạo hiện đại cho huyện đón nông thôn mới như hàng cây Osaka tuyến Khánh Thượng, Yên Thành, Yên Hưng, Yên Mỹ; đường cau xã Yên Hòa, Khánh Thịnh, Yên Thành; tuyến đường cây bàng Đài Loan ở Yên Lâm, Yên Thái, Yên Thành, Yên Đồng. Các cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Đặc biệt, 100% tuyến đường liên tỉnh, liên huyện được trồng cây xanh; các tuyến đường trục chính nội đồng, liên thôn đã trồng cây đạt 85% toàn tuyến.
Tuyến đường trục xã Yên Thái (huyện Yên Mô) đều được trồng cây xanh. Ảnh: Báo Ninh Bình |
Tại xã Yên Thái (huyện Yên Mô), năm 2021, xã nhận trồng 1.000 cây đô thị, trong đó có 600 cây bàng Đài Loan, 400 cây Osaka. Hiện nay, tất cả 4 tuyến đường trục xã được trồng cây xanh. Lãnh đạo địa phương đã phát động nhân dân tham gia trồng cây hai bên đường thôn, trồng tại vườn nhà; bảo vệ, chăm sóc cây, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, tạo diện mạo vùng quê nông thôn mới xanh, thân thiện.
Đại diện Hội Cựu chiến binh xã Yên Thái cho biết, các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia nhận chăm sóc, bảo vệ hàng cây các tuyến đường. Trong đó, Hội Cựu chiến binh nhận chăm sóc, bảo vệ hàng cây 2 bên đường dài hơn 1.000m tại tuyến đường Bắc Sông Đọ đến khi trưởng thành. Trong thời gian hơn 3 tháng, cây đã trưởng thành và thực hiện gắn biển tuyến đường Hội Cựu chiến binh tự quản.
Phong trào trồng cây xanh tại xã Khánh Thịnh cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hiện nay trên các trục đường chính của xã 100% được phủ xanh bởi các hàng cây.
Đáng chú ý, Khánh Thịnh đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, vận động con em quê hương xa quê đóng góp, trồng hàng cau đẹp trên trục đường chính của xã nhiều năm qua, tạo cảnh quan môi trường đẹp cho vùng quê nông thôn mới. Hội Phụ nữ cũng tổ chức trồng hoa hai bên đường; các thôn, xóm phát động nhân dân trồng cây trước nhà, trong vườn, tạo không gian sống xanh, môi trường sạch, đẹp trên địa bàn xã.
Để tăng diện tích cây xanh trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng 615.000 cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 8/2/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, các phòng, ban chuyên môn của huyện Yên Mô đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai kế hoạch của tỉnh; hàng tháng tổng hợp tình hình, đề xuất các giải pháp tổ chức hiệu quả chương trình trồng cây xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện rà soát diện tích đất lâm nghiệp còn trống để trồng rừng thay thế và diện tích rừng nghèo kiệt để nuôi dưỡng, làm giàu rừng có trồng bổ sung.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây xanh đến các tổ chức và nhân dân trong huyện, tích cực tham gia trồng cây để nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Các xã, thị trấn rà soát quy hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng cây xanh bóng mát, cây dọc các tuyến đường giao thông, trồng trong vườn đồi, vườn nhà, đất lâm nghiệp nhỏ lẻ (diện tích nhỏ hơn 0,3 ha) đất quy hoạch trồng cây xanh khu dân cư, công sở, trường học, đất có thể trồng cây xanh nông thôn.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông và lắp hệ thống chiếu sáng; kịp thời bổ sung cây xanh trong khuôn viên các đơn vị, cơ quan, trường học, trạm y tế đảm bảo kỹ thuật, mỹ quan, môi trường.
Theo Kế hoạch 70/KH-UBND về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được 5,5 triệu cây xanh phân tán các loại; bao gồm: cây xanh đô thị, cây lâm nghiệp trồng phân tán và một phần diện tích rừng trồng tập trung bao gồm trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ.