Mở rộng đảo nhân tạo trên Biển Đông: Hành động "thảm sát" hệ sinh thái biển

11/08/2015 00:00

(TN&MT) - Tại buổi tọa đàm khoa học về “Môi trường Biển Đông - Ứng xử của con người” do UBND thành phố Hải Phòng thực hiện cuối tuần qua, đông đảo các nhà khoa học bày tỏ sự quan ngại về sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường biển, gia tăng các sự cố tràn dầu do tác động của con người, sự gia tăng căng thẳng do những tuyên bố và hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây không những đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, trong khu vực Biển Đông.

Hệ sinh thái biển đang bị tiêu diệt

Giáo sư E. D. Gomez đến từ Viện Khoa học biển, Đại học tổng hợp Philippines cho rằng trong lúc vội vàng giành lấy sự kiểm soát Biển Đông, Chính phủ và lãnh đạo quân đội Trung Quốc có vẻ như rất ít hoặc không hề quan tâm tới sự thật rằng những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở Biển Đông đang bị phá hủy và bị chôn vùi một cách nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 7/2015, Trung Quốc đã san lấp (“khai phá”) mở rộng trên 1.200 hecta đảo nhân tạo và còn phá hủy nhiều ngàn hecta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo các đảo nhân tạo trên ở quần đảo Trường Sa. Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với số tiền ước tính khoảng 400 triệu đôla một năm. Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn thì thiệt hại còn tiếp tục tăng.

Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các đá rạn san hô và rạn san hô vòng (alton) ở quần đảo Trường Sa, mà còn cắt đứt mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông. Điều này, gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực.

Mở rộng đảo nhân tạo trên biển đông đã phá hủy hàng ngàn hecta san hô và các hệ sinh thái biển. Ảnh: MH
Mở rộng đảo nhân tạo trên biển đông đã phá hủy hàng ngàn hecta san hô và các hệ sinh thái biển. Ảnh: MH

Ngoài ra, hoạt động khai thác hải sản mang tính hủy diệt của con người trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài như: rùa biển, một vài loài cá mập và các giống cá khác, đặc biệt là loài trai tai tượng. Việc tiêu diệt các quần thể trai tai tượng ở các bãi cạn Hoàng Nham (Trung Quốc chiếm giữ của Philippines từ cuối năm 2012) cộng với khai thác khối lượng lớn các loại vỏ sinh vật từ bề mặt bãi cạn dẫn tới sự nhiễu loạn sinh thái kéo dài, tiêu diệt nhiều loài sinh vật đáy… Những chiếc vỏ như vậy được chạm khắc tinh tế, bán cho du khách và người địa phương ở Hải Nam, Trung Quốc (GS. Gomez phàn nàn).

Các nhà khoa học cho rằng, những hành động nêu trên cho thấy, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các Công ước quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng (CITES) và Luật Biển 1982, vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã cam kết. Các hành động và ý đồ trên là không thể chấp nhận, phải bị lên án mạnh mẽ hơn nữa để buộc phía Trung Quốc dừng hành vi phi lý, từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông, sớm đưa khu vực trở lại trạng thái ổn định và bảo đảm các quyền tự do biển cả cơ bản trong khu vực.

Cần từ bỏ tuyên bố phi lý, cứu lấy môi trường biển

Những tuyên bố đơn phương, phi lý về “Đường lưỡi bò”, về Lệnh cấm đánh bắt thủy sản đơn phương theo mùa và một loạt hành động nguy hiểm gần đây khi tôn tạo bãi cạn, đá rạn san hô thành các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa cũng như chậm thực hiện DOC và kéo dài sự chuẩn bị COC… của phía Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các nước và các tổ chức quốc tế, rõ ràng đã cản trở đến tự do hàng hải và hàng không trong khu vực biển này.

Tự do hàng hải và tự do hàng không được quy định rất rõ trong UNCLOS 1982 là căn cứ quan trọng để các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông thực hiện các quyền này. Chính vì vậy, các đại biểu tại tọa đàm đều cho rằng, Trung Quốc không được cố ý diễn giải sai UNCLOS 1982 và dừng ngay các đe dọa quân sự và hoạt động quân sự trá hình để tạo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi giữa các bên liên quan.

Các nhà khoc học cũng khuyến nghị, các quốc gia đang làm suy thoái và huỷ hoại những hệ sinh thái biển nông, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong Biển Đông. Ngăn chặn việc khai thác các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cũng như khai thác hải sản quá mức và mang tính hủy diệt, đảm bảo tính bền vững, không huỷ hoại hay xâm hại các hệ sinh thái ở vùng biển quan trong này của thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước trong khu vực cũng cần tăng cường và phát huy vai trò của ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc để góp phần giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Đông trên tinh thần cao thượng, tạo dựng lòng tin, thúc đẩy thực hiện tốt Điều 5 và Điều 6 trong Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng và thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Các nước lớn cần gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của luật pháp quốc tế, tạo tiền đề để các quốc gia khác cùng nghiêm túc thức hiện. Đồng thời các quốc gia trong khu vực phải có giải pháp, cơ chế giám sát môi trường Biển Đông do hoạt động mở rộng, tôn tạo bãi cạn và giáo dục ngư dân về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển và nguồn lợi hải sản.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam phối hợp với các quốc gia liên quan ủng hộ và tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục hợp tác nghiên cứu sâu hơn, đưa ra các kết luận rõ ràng hơn về các tác động xấu đến môi trường, sinh thái, tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Thiết lập và thực hiện một Cơ chế vùng ở Biển Đông để tăng cường hợp tác về môi trường giữa các quốc gia trong khu vực để tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu, phát hiện mới và các kiến nghị giải pháp liên quan đến các vấn đề cấp bách trên.

K.Liên 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đảo nhân tạo trên Biển Đông: Hành động "thảm sát" hệ sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO