Xã hội

Mô hình Hợp tác xã tại Cao Bằng: "Điểm sáng" trong giảm nghèo bền vững

Minh Khang 29/02/2024 - 15:50

(TN&MT) - Một trong những điểm sáng trong nỗ lực giảm nghèo bền vững tại Cao Bằng là sự phát triển của kinh tế tập thể, Hợp tác xã (HTX), điều này đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát triển HTX nông nghiệp nông sản đặc thù

Cao Bằng có khoảng 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…. Trong thời gian qua, Cao Bằng luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) trên địa bàn thoát nghèo bền vững.

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mô hình kinh tế tập thể, HTX được khuyến khích phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển HTX gắn với sản phẩm nông sản đặc thù theo vùng, nhiều mô hình HTX được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp hay, hoạt động hiệu quả, đa dạng, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo.

Hiện nay, toàn tỉnh có 387 hợp tác xã (HTX), trong đó có 132 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…), chiếm 34%. Các HTX ngày càng mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm cho nông dân giúp cho đời sống người lao động được cải thiện.

Điển hình như HTX Án Lại (xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An) với mô hình phát triển vùng nguyên liệu dong riềng, sản xuất tinh bột để vừa giữ gìn nghề làm miến truyền thống, vừa phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, HTX Án Lại đã xây dựng được nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất. Cùng với nghề sản xuất miến dong, cây dong riềng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Không những thế, HTX Án Lại còn bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hơn 200 hộ liên kết trong xã với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm. Các hộ thành viên của HTX Án Lại và khoảng 20 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

t11_trien_khai_20210831145326.jpg
Mô hình HTX sản xuất miến dong tại Cao Bằng

Cùng với mô hình miến dong tại HTX Án Lại, mô hình HTX nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng là một trong những mô hình HTX tiêu biểu, được thành lập từ năm 2020 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, trại nuôi trồng nấm với diện tích trên 6000m2. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, quá trình sản xuất được quan tâm nên chất lượng nấm đảm bảo, có hương thơm và chất lượng đặc trưng, được người tiêu dùng đón nhận.

img_2021-215521_167.jpg
HTX Yên Công (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) sản xuất nấm hương theo phương thức hữu cơ

Hiện tại HTX đầu tư máy móc phục vụ sản xuất như: máy sấy nấm, máy hấp khử trùng, máy nghiền, kho cấp đông. Trung bình mỗi năm HTX sản xuất theo vụ đông, vụ hè được 18 vạn phôi nấm, cho thu hoạch từ 60 - 70 tấn nấm hương. Sản phẩm nấm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Cạn,...với giá bán lẻ 100 nghìn đồng/1 kg.

Sản phẩm nấm hương của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, trong quá trình sản xuất được đơn vị quan tâm, chú trọng xử lý tốt các khâu để nuôi cấy nấm hiệu quả nên chất lượng nấm đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

HTX thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước, địa phương. Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, HTX tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục người, mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 5,5 triệu đồng. Số lao động thời vụ từ 10-12 người, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng. Thu nhập bình quân trung bình của HTX mỗi năm từ 400-500 triệu đồng/ năm.

htx-tan-hoa-jpg-4452-1548344716_1200x0.jpg
Mô hình HTX Tâm Hoà với thương hiệu "Lạp sườn Tâm Hòa"

Bên cạnh đó, nhiều mô hình HTX như: Mô hình HTX Tâm Hoà với thương hiệu "Lạp sườn Tâm Hòa" được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và từng bước tạo được uy tín với khách hàng, được mời tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm vùng, hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước; khu nhà lưới của HTX nông nghiệp Trường Anh (xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng) nổi bật với những luống dâu tây xanh mướt, vườn hoa hồng khoe sắc rực rỡ;...

Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX

Để nâng cao vai trò của HTX trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng NTM tại các địa phương, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh có các chính sách đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế biến sản phẩm, hỗ trợ thành lập mới HTX…

Nhờ đó, kinh tế HTX có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Độ cho biết, hiện nay, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Đồng thời, tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu xây dựng hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình Hợp tác xã tại Cao Bằng: "Điểm sáng" trong giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO