Dự Lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ Lao động TB&XH Lê Quân, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện một số cơ quan ngoại giao, đại diện các tổ chức Quốc tế , các tổ chức phi chính phủ thường trú tại Việt Nam cùng hàng ngìn đoàn viên, thanh niên tình nguyện.
Việt Nam được biết đến bởi mức độ ô nhiễm bom mìn một cách nghiêm trọng do đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đã hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn. Theo báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, hiện nay diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/4/2010 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý và cơ sở hạ tầng cho các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế xem xét để viện trợ, tài trợ…
Năm 2017, các cơ quan chức năng đã triển khai các bước để hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, trình Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thành công Hội nghị đánh giá và đề xuất công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép công bố trong năm 2018.
Triển khai các dự án nâng cao năng lực do Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và các tổ chức quốc tế tài trợ. Trong đó, tháng 3/2018 đã khởi động dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, qua đó khẳng định sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong nhiệm vụ này.
Cũng trong năm 2017, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức hỗ trợ cho 151 nạn nhân với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng (hỗ trợ sinh kế cho 140 nạn nhân).
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân nhấn mạnh: Để hưởng tới mục tiêu khắc phục bền vững tình trạng ô nhiễm bom mìn, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, ban hành cơ chế chính sách trợ giúp xã hội đối với các nạn nhân bom mìn. Theo ông Lê Quân, đến nay 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề…
Vẫn theo Thứ trưởng Lê Quân, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, những năm qua, cộng đồng các nhà tài trợ Quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã có những hỗ trợ quý báu về trang thiết bị, kinh phí trị giá hàng chục triệu USD để Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn, mìn sau chiến tranh.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, ông Lê Quân cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh…
Nhân dịp này, một triển lãm cũng sẽ được tổ chức nhằm phản ánh thực trạng ô nhiễm và mối hiểm họa của bom mìn, vật nổ đối với con người, công tác khắc phục hậu quả trong những năm qua.
Trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm, ngày 3/4 tới, tại Nhà hát Lớn sẽ diễn ra chương tình giao lưu truyền hình với chủ đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam” nhằm ra mắt Ban Chỉ đạo 701. Đồng thời công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam - giai đoạn 1, kết quả hoạt động của Chương trình 504, trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn ở các địa phương, các tổ chức quốc tế...