Gia tăng nhiều điểm “nóng” sạt lở
Mùa mưa bão năm nay, người dân thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, khi bờ biển bị sạt lở hiện chỉ cách khu dân cư 50m và ngày càng “ngoạm” sâu vào đất liền. Hơn 50 năm sống ở Tịnh Khê, ông Phạm Trí cho biết chưa bao giờ mình chứng kiến sóng biển dữ dằn, tàn phá đến như vậy.
“Khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở đã nuốt hàng trăm hecta đất của người dân và rừng dương chắn sóng ra biển. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân lại mất ăn mất ngủ vì lo sợ nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi ra biển”- ông Trí cho hay.
Theo báo cáo của 11 tỉnh, thành ven biển khu vực miền Trung, tính đến tháng 7/2018, có 77 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 104 km, trong đó có 31 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… là những địa phương có có chiều sạt lở đặc biệt nguy hiểm lớn. Tại khu vực Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, mỗi năm, biển xâm thực vào đất liền từ 50-200m. Tình hình sạt lở đang có xu hướng lan dần đến các khu vực lân cận như biển Hà My, thị xã Điện Bàn và bãi biển TP. Đà Nẵng. Các địa phương đã, đang huy động nhiều nguồn lực xử lý bằng cả giải pháp công trình và phi công trình, tuy nhiên, đến nay nhiều công trình đã bị hư hỏng.
Ông Trần Quang Hoài- Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, hiện nay tại khu vực miền Trung có 1.972 hồ chứa thủy lợi trên thượng nguồn các lưu vực sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kon – Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê pok. Việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn đã và đang và sẽ là gia tăng các biến động bùn cát trên các tuyến sông và vùng ven biển. Đây là nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển. Theo thống kê tại trạm Nông Sơn, khối lượng trung bình bùn cát năm từ giai đoạn 1996 – 2008 là 2,4 triệu tấn/năm, giai đoạn sau khi hồ chứa sông Tranh 2 hoạt động từ năm 2010 – 2013 là 1,7 triệu tấn/năm. Như vậy, tổng lượng bùn cát năm đã giảm tới 29%. Song song với việc đó, hiện tượng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Cửa Đại đã được ghi nhận.
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình không hợp lý trên sông và ven biển phục vụ giao thông thủy, bộ cũng đã làm thay đổi chế độ dòng chảy trên sông, ngăn cản quá trình vận chuyển bùn cát ven biển. Điển hình là các công trình: kè hướng dòng phục vụ giao thông tại cửa sông Bến Thủy làm xói lở khu vực bãi tắm Cửa Tùng (Quảng Trị); kè cửa Thuận An là xói lở bờ biển khu vực xã Hải Dương (Thừa Thiên Huế); kè tại cửa sông Dinh làm xói lở bờ biển thị trấn Lagi (Bình Thuận)…
“Bên cạnh việc ngăn sông làm thủy điện ở thượng nguồn thì tình trạng khai thác cát dọc sông, vùng cửa sông cũng đang gia tăng khó kiểm soát, công tác quản lý hoạt động khai thác cát và bảo vệ rừng ngập mặn còn nhiều bất cập, chính quyền địa phương chủ yếu áp dụng các phương pháp truyền thống, một số địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên trong khu vực. Đây là những nguyên nhân cơ bản gây sạt lở bờ sông, bờ biển”- ông Hoài cho biết.
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Theo dự báo của Viện Địa lý, bờ biển miền Trung với trên 70% đất có thành phần đặc biệt và là đất bở rời. Đồng thời, do các biến động bất thường về khí tượng thủy văn, tác động của con người nên sạt lở với quy mô và mức độ lớn sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Từ năm 2011 đến nay, bằng các nguồn vốn của TW, địa phương và sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành duyên hải miền Trung đã triển khai xây dựng 130 dự án kè phòng chống sạt lở bờ sông, biển với tổng kinh phí hơn 6.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai đây là giải pháp có suất đầu tư cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực; các giải pháp kỹ thuật áp dụng tại một số khu vực chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, không “thân thiện với môi trường”.
Theo ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy (BCH) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển là do thiếu hụt lượng bùn cát, tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên các tài liệu cơ bản về bùn cát, bùn ven, thủy hải văn, địa chất… để thiết kế công trình phòng chống sạt lở ở miền Trung lại nên nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả.
“Hiện chúng ta đang ở tình trạng xử lý kiểu sạt lở đâu, chữa đấy. Đây cũng một phần do kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của tư vấn. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn rất hạn hẹp nên không thể tính toán căn cơ, lâu dài được”- ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Hoài- Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lại có địa hình dốc, hẹp nên tác động của sạt lở bờ sông, bờ biển rất lớn. Để xử lý đồng bộ các nội dung trên, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Chương trình phòng chống thiên tai toàn diện cho khu vực miền Trung với nhiều giải pháp cấp bách. Hiện nay, các ban ngành chức năng đang rà soát lại các vị trí sạt lở ven biển, bồi lấp cửa sông để báo cáo Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp với mục tiêu người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
“Do kinh phí còn hạn chế trong khi để xử lý sạt lở ở ven biển đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên chúng ta chỉ khắc phục tạm thời, trước mắt.Về lâu dài, chúng tôi đang mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế và các trường đại học danh tiếng Nhật Bản và Hà Lan để phối hợp đề xuất các dự án nghiên cứu về sạt lở, từ đó, đưa ra những nhận diện đầy đủ với các giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả đầu tư”- ông Trần Quang Hoài cho biết.